Tuesday, 21 May 2024
blog

1.- VỀ CÁCH XƯNG HÔ; 2.- SĂN SÓC NGƯỜI BỆNH; 3.- TRỒNG CÂY.

Lượt xem: 2916

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích HĐONCH, TG, 2011, tổng hợp nhiều trang)
link sách:

1.- VỀ CÁCH XƯNG HÔ

Hỏi: Tu sĩ xuất gia đã lâu năm được mọi người thưa hỏi như sau:

Kính thưa quý sư cô Liên Châu, sư cô Huệ Ân, sư cô Liễu Huệ, sư cô Hạnh Từ, v.v… còn những tu sĩ mới xuất gia như chúng con chưa thọ đủ giới luật. Oai nghi tế hạnh chưa tròn thì nên thưa hỏi như thế nào cho đúng với giới luật Phật, con kính mong Thầy chỉ dạy?

Ðáp: Khi đã xuất gia trở thành tu sĩ thì cách xưng hô người mới tu cũng như người tu lâu năm giới luật thọ đầy đủ, là y như nhau:

“THƯA SƯ CÔ LIÊN CHÂU”, “THƯA SƯ CÔ LIỄU NGỌC”, và tự xưng pháp danh mình như sau:

– “THƯA SƯ CÔ LIÊN CHÂU!” Rồi tự xưng pháp danh mình: “LIỄU NGỌC” muốn thưa hỏi điều này… Trong việc xưng hô rất thiện xảo để có lễ độ, cung kính và tôn trọng lẫn nhau, mà người thế tục không thể hơn được:

– LIỄU NGỌC xin thưa hỏi SƯ CÔ LIÊN CHÂU cách thức tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp như thế nào?

Còn tu sĩ xưng hô với những người thân trong gia đình và những người ngoài đời thế nào? Cách xưng hô này chưa có ai hỏi nên Thầy chưa trả lời.

@@@

Hỏi: Phật giáo hiện giờ, những tu sĩ thường dùng từ Hoà thượng, Thượng toạ, Ðại đức tăng, ni, v.v… cộng với pháp danh của mình, đó có phải là cái danh hay không thưa Thầy? Ðối với bậc A La Hán như Thầy có người tôn xưng là Hoà Thượng Thích Thông Lạc thì có đúng không?

Ðáp: Những danh xưng trong Phật giáo thuộc phẩm cấp có cao, có thấp trong Giáo Hội, để khi nghe gọi mọi người biết ngay vị ấy ở hàng đẳng cấp nào.

Theo đẳng cấp trong hàng tu sĩ Phật giáo hiện giờ:

– Ðẳng cấp thứ nhất: Người mới xuất gia tu hành thọ 10 giới gọi là SA DI. Sa di nam tiếng Phạn là SRAMANERA, và Sa di nữ là SRAMANERIKA.

– Ðẳng cấp thứ hai: Người Sa di thọ cụ túc tức là thọ 250 giới được gọi là ÐẠI ÐỨC.

– Ðẳng cấp thứ ba: Sau 20 năm thọ cụ túc và học tập giáo lý được Giáo Hội Phật Giáo tấn phong gọi là THƯỢNG TỌA.

– Ðẳng cấp thứ tư: Sau 60 năm thọ cụ túc giới được Giáo Hội Phật Giáo tấn phong gọi là HÒA THƯỢNG.

Tất cả những danh từ xưng hô này là DANH chứ có nghĩa lý gì. Có nhiều vị Hòa thượng chỉ có biết tụng niệm ê a mà cũng được tấn phong làm Thượng tọa, Hòa thượng.

Bởi vậy, ngoài Bắc gọi các sư thầy tu lâu cũng lên làm SƯ CỤ.

Trong đạo Phật người nào tu chứng mới gọi là TRƯỞNG LÃO, dù tuổi còn trẻ.

Còn hiện giờ quý thầy bên Ðại thừa và chánh quyền gọi Thầy là Hòa thượng là gọi theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tấn phong. Ðối với Thầy ai gọi sao cũng được. Gọi Trưởng lão hay gọi Hòa thượng cũng được, không sao cả. Danh lợi đối với Thầy như nước chảy qua cầu. Nhưng theo Thầy nghĩ: Chỉ gọi THẦY là gần gũi, không xa cách và bình dân, nhất là gọi ba từ: “THẦY THÔNG LẠC” là đủ ý nghĩa.

@@@

Hỏi: Xin Thầy chỉ dạy thêm về cách xưng hô giữa chúng con trong Tăng đoàn với nhau như thế nào cho phù hợp hơn? Trong thư Thầy dạy người tu sĩ xưng với gia đình người thân bằng “THẦY”, vậy chúng con thưa hỏi với nhau có nên dùng “THẦY” được không? Có điều là hiện nay chúng con mặc y áo theo kiểu Nam tông thì có quan hệ gì với danh xưng là “THẦY” không? Vậy chúng con hiện đang lúng túng về cách thưa hỏi nhau để gọi sao cho phù hợp. Trước đây trong giáo án Thầy có dạy, khi thấy một người mặc y vấn Nam tông thì gọi bằng “SƯ”, nhưng Thầy chưa dạy là nếu chúng con ăn mặc như vậy thì gọi với nhau là như thế nào? Vậy kính xin Thầy hướng dẫn và chỉ dạy cho chúng con biết cách xưng hô cho đúng.

Ðáp: Ðối với người thân trong gia đình thì cách thức xưng hô cha mẹ, cô bác cậu dì… thì chỉ có xưng mình là THẦY. Còn khi tu sinh trực tiếp với tu sinh khác thì gọi họ bằng “THẦY” còn mình thì tự xưng pháp danh của mình, chứ không được tự xưng mình là “THẦY”.

Danh từ “SƯ” và danh từ “THẦY” Thầy đã giải thích cho các con rồi. Tuy ăn mặc y áo Nam tông nhưng các con xưng hô với nhau bằng THẦY là giữ gìn tinh thần đạo lý của dân tộc Việt Nam, “Thầy Trời Người” mà đức Phật dạy: “Thiên Nhân Chi Ðạo Sư”. Các con không nên dùng SƯ mà nên dùng THẦY để nói về nhau, vừa đúng ngôn ngữ và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam. Tăng đoàn của chúng ta là Tăng đoàn Chơn Như xuất phát từ đất nước Việt Nam, mặc y áo của Phật nhưng xưng hô theo Việt Nam chứ không chấp nhận bị đồng hóa, ảnh hưởng và bắt chước xưng hô theo một hệ phái Phật giáo nào.

Trong giáo án, Thầy có dạy thấy một người mặc y áo Nam tông gọi họ là SƯ. Ðó là để phân biệt với các thầy Ðại thừa. “SƯ” là để chỉ cho các vị tu hành theo Nam tông; “THẦY” là để chỉ cho các vị tu hành theo Bắc tông (Ðại thừa).

@@@

Hỏi: Kính thưa Thầy! Hiện nay trong Tăng đoàn và trong lớp học, các tu sinh và tu sĩ xưng hô chào nhau có khi gọi Sư, có lúc gọi Thầy. Cách thức xưng hô như vậy không được thống nhất. Vậy chúng con xin kính mong Thầy chỉ dạy.

Ðáp: “SƯ” là danh từ tiếng Hán, “THẦY” là danh từ tiếng Việt, nhưng mọi người đã thành thói quen khi thấy vị tăng vấn y thì xưng hô là SƯ; khi thấy vị tăng mặc áo tràng xưng hô là THẦY.

Ở đây chúng ta là người Việt Nam, chứ không phải người Trung Hoa. Vì vậy, Thầy xin đề nghị quý thầy nên gọi nhau bằng THẦY là đúng nghĩa nhất, và không bị đồng hóa xưng hô như người Trung Hoa.

Danh từ SƯ đã được Việt hóa từ lâu, nhưng danh từ THẦY có vẻ tôn kính trịnh trọng hơn danh từ SƯ, và thuần chất Việt Nam không bị lai căn.

@@@

Hỏi: Người tu sĩ khi có duyên giao tiếp với người gia đình, quyến thuộc và xã hội, thìcách xưng hô của người tu sĩ đối với mọi người như thế nào? Và ngược lại, gia đình quyến thuộc, bạn bè và xã hội khi giao tiếp với người tu sĩ bằng cách xưng danh như thếnào đúng. Con kính mong Thầy chỉ dạy?

Ðáp: Khi người tu sĩ về thăm nhà gặp lại cha mẹ, anh chị em dòng họ, cô bác, dì chú, cậu mợ, v.v… đều xưng hô gọi mọi người thân một cách bình thường như từ xưa đến nay, chỉ có tự xưng mình như sau: “Thưa bố mẹ, SƯ CÔ mới về”, hoặc: “Thưa bố mẹ, ngày mai SƯ CÔ về tu viện”. Ðó là bên Ni giới, nên xưng mình là “SƯ CÔ”.

Còn bên Tăng giới thì tự xưng hô như thế nào? Bên Tăng tự xưng mình là “THẦY”: “Thưa bố mẹ, THẦY mới về”… “Thưa bố mẹ, ngày mai THẦY sẽ về tu viện”.

Chúng ta là người Việt Nam, nên cách xưng hô của chúng ta có tôn ti trật tự hẳn hoi. Mỗi danh từ xưng hô chỉ định người trên kẻ dưới rõ ràng và rất lễ độ, thâm tình. Qua ngôn ngữ và lời nói này, trên thế giới không có một nước nào có những danh từ xưng hô lễ độ và thâm tình như vậy.

Cách xưng hô với những người xa lạ trong xã hội thì người nào lớn tuổi, đáng ông bà, cha mẹ thì gọi là ông bà hay chú bác, đáng anh chị em thì gọi là anh chị em, đáng con cháu thì gọi là con cháu, không nên dùng những danh từ “PHẬT TỬ”, “THÍ CHỦ” là không đúng, vì họ có theo Phật đâu mà gọi họ là phật tử; họ có cúng dường đâu gọi là thí chủ. Gọi như vậy là sai.

@@@

Hỏi: Nếu người tu sĩ khi có công việc phải đi, nhưng giấy tờ không có tùy thân, thì e rằng có chướng ngại diễn ra, thì phải giải quyết cách nào cho hợp pháp, con kính mong Thầy dạy thêm cho con đựơc rõ.

Ðáp: Khi xuất gia thì người tu sĩ được thầy Bổn Sư lo giấy tờ xuất gia đầy đủ. Trong giấy có gia đình, chánh quyền, giáo hội đều chứng nhận đầy đủ, nên khi người tu sĩ đi đâu, ở đâu cũng không ai làm khó khăn gì cả. Nhưng khi đã xuất gia là có sự quyết tâm tu tập để được giải thoát, nên đâu có việc gì phải đi ra giải quyết; nên đâu còn có thì giờ đi giải quyết chuyện thế gian.

Khi xuất gia tu học là quyết chí không rời nơi mình xuất gia để được tu tập đến nơi, đến chốn, cho nên người xuất gia không bao giờ lìa xa tu viện nửa bước. Chừng nào tu xong, thì tùy duyên đem kinh nghiệm tu tập của mình dạy người hữu duyên, còn không có duyên thì vào Niết Bàn an lạc. Bởi vì, đời đâu có điều gì lôi cuốn người tu sĩ đã giải thoát ở lại. Ðời chỉ là những chuỗi ngày vô thường sinh diệt của các pháp, nên người tu xong, nếu thấy mình có duyên giáo hóa chúng sanh thì sống trong thế gian này, nếu thấy mình không có duyên với chúng sinh thì vào Niết bàn, sống đâu có ích lợi gì, do vậy người tu chứng đạo xong ra khỏi cõi ta bà này là một điều sáng suốt.

@@@

Hỏi: Khi gia đình có sự việc cần thiết, mong muốn người tu sĩ phải có mặt giúp công việc, thì người tu sĩ nếu được về gia đình thời gian có phải theo quy định hoặc như thế nào? Con kính mong Thầy chỉ dạy, để biết luật chúng con hành theo cho đúng.

Ðáp: Khi xuất gia đi tu thì không nên về gia đình dự đám giỗ, đám cưới, những ngày Tết, những ngày lễ hội, mà chỉ có về dự đám tang mà thôi. Khi về dự đám tang thì đề nghị gia đình nên làm lễ tang theo Phật giáo nguyên thủy, chứ không làm đám tang theo Ðại thừa, nếu gia đình bằng lòng thì ở lại chỉ đạo từ cách tẩm liệm đến cách thức chôn cất, mở cửa mả, lập bàn thờ, chấm dứt không tụng niệm cầu siêu, không kèn trống, đờn ca, xướng hát, không giết trâu, bò, heo, dê, gà vịt, cá tôm cúng tế, v.v…

Nếu những người thân trong gia đình nghe theo thì ở lại cho đến khi chôn cất xong mới trở về tu viện. Khi ở lại nên dựng một chiếc lều vải trong vườn im vắng, còn nếu ở thành phố thì nên xin ở riêng một phòng nhỏ trên gác hay trên lầu. Trong thời gian ở lại trong gia đình không nên ở quá ba ngày. Người xuất gia không được ở nhà thế tục, vì nơi đó không thanh tịnh và tràn đầy ác pháp, nên đến đi trong một ngày là tốt nhất.

Vì sự nghiệp sinh tử là quan trọng nhất của người tu sĩ, vì thế không nên để những sợi dây ái kiết sử trói buộc thì sự nghiệp sinh tử không làm tròn.

@@@

Hỏi: Người tu sĩ khi có công việc phải đi ra ngoài để giải quyết việc gia đình, việc ngoài thế gian, vậy người tu sĩ đó có đi được hay không? Và đi như vậy có đúng giới luật hay không? Hay phải làm như nào? Con kính mong Thầy chỉ dạy để chúng con được rõ.

Ðáp: Khi xuất gia tu hành thì tất cả những việc gì ngoài đời đều bỏ sạch, chỉ còn một việc làm, đó là sự giữ gìn và bảo vệ chân lý “TÂM BẤT ÐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, và VÔ SỰ”. Do sự tu tập này, người tu sĩ Phật giáo đâu còn có thì giờ để đi ra ngoài giải quyết việc này, việc kia. Thậm chí như việc cha và mẹ qua phần (chết) còn không về chịu tang khó như người ngoài đời, huống là đi giải quyết những chuyện lặt vặt. Người tu sĩ không còn một việc gì ngoài đời để họ giải quyết cả. Khi đã xuất gia thì buông xả sạch hết những vật chất thế gian, thì họ còn gì đâu mà giải quyết, họ đã giao hết cho anh em, chị em, hoặc chồng hay vợ và con cái.

Ðời sống của họ chỉ còn ba y một bát, đi xin cơm ăn hằng ngày, đó là để thực hiện con đường giải thoát của đạo Phật. Nên nói đi ra ngoài giải quyết sự việc, đó là lường gạt người khác để đi chơi, đi du ngoạn. Người tu sĩ Phật giáo mà còn đi đây, đi đó là không phải người tu sĩ Phật giáo, họ là những người lười biếng lao động, sợ cực khổ dãi nắng dầm mưa, chỉ muốn đi chơi nơi này, nơi khác cho thỏa thích lòng dục, mượn chiếc áo tu sĩ Phật giáo để lừa đảo miếng cơm, manh áo và tiền bạc của phật tử. Người tu sĩ Phật giáo chấp nhận một đời sống lang thang nay chùa này, mai chùa khác, nay am thất này, mai am thất khác, đó là những tu sĩ lười biếng, chấp nhận một đời sống vô tích sự. Ngoài mặt dối gạt người nói tu tập, chứ kỳ thực họ có tu tập được gì đâu, chỉ sống tự do chạy theo dục vọng, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, muốn đi chơi thì đi chơi, lúc nào cũng tự do thoải mái theo lòng ham muốn của mình.

Người xuất gia là người đã quyết chí tu tập làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi, thì phải đầy đủ ý chí, cương quyết nhất định không rời nơi mình xuất gia một phút giây nào cả. Chỉ có một điều duy nhất là bền chí nhập thất tu tập, cho đến khi tu tập chứng đạo xong mới thôi. Cho nên, từ khi xuất gia cho đến khi chứng đạo không rời tu viện nửa bước. Những người xuất gia như vậy mới thật là những người xứng đáng xuất gia; mới mong chứng đạo. Xuất gia rồi mặc y mang bát đi đầu này, đầu kia chơi, thì thật là trái với luật xuất gia. Xuất gia rồi có đi đâu đều phải đi chung trong đoàn thể Tăng đoàn hay toàn thể Ni đoàn, chứ không được đi riêng rẽ, đi một mình. Người xuất gia mà đi riêng rẽ, đi một mình là phạm giới luật.

Xuất gia rồi chỉ còn có một hướng là tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ không phải xuất gia mà còn giải quyết việc gia đình hay những việc khác, thì đó là xuất gia của ngoại đạo, không đúng theo Phật giáo. Những người thân trong gia đình cũng vậy, khi chấp nhận cho những người thân của mình xuất gia thì không nên báo tin này, tin kia cho người xuất gia biết. Báo tin đó là làm động tâm người xuất gia họ sẽ không tu hành được. Hỡi các người thân trong gia đình! Hãy để cho nhữngngười xuất gia yên thân tu hành, đừng làm động họ tội nghiệp. Con đường tu tập để được giải thoát sinh tử luân hồi là một chiến trận vĩ đại, nên những người xuất gia đang chiến đấu một mất một còn để đòi quyền làm chủ, độc lập tự do của một kiếp người. Nếu nay có chuyện này, mai có chuyện khác xảy ra trong gia đình, thì làm sao người tu sĩ chiến thắng giặc sinh tử được.

Giặc sinh tử rất là cam go, khi mở màn cho cuộc chiến tranh giành độc lập tự do sinh tử thì cả những người thân trong gia đình phải lo liệu lấy tất cả những gì xảy ra, đừng nên báo cho người tu sĩ biết mọi việc gì trong gia đình, đó là những người biết thương người thân tu hành. Còn ngược lại là làm chậm bước tiến tu hành. Và vì thế, con đường tu tập của những người thân của mình sẽ không biết chừng nào mới tu xong. Thật là tội nghiệp vô cùng.

@@@

Hỏi: Vì không rời 3 y một bát một giây phút nào, phải luôn mang theo ba y một bát ở bên thân. Vậy khi ra đi có cần thay bộ y áo khác không? Người tu sĩ phải ăn mặc như thế nào cho đúng giới luật Phật đã chỉ dạy. Con kính mong Thầy dạy bảo.

Ðáp: Khi đã xuất gia rồi thì chỉ có một việc làm là lo tu tập cho được giải thoát, chứ không có việc gì cần phải lo giải quyết cả, nếu có việc muốn giải quyết thì cứ mặc y áo tu sĩ như thường, đừng nên thay đổi y áo khác. Trước khi xuất gia, các con đã chuẩn bị tất cả mọi việc đâu vào đó và buông xả sạch rồi mới xuất gia, để khi xuất gia thân tâm không còn lo lắng, bận bịu một việc nhỏ nhặt nào nữa cả. Bởi con đường tu tập rất khó, nếu còn có một việc gì chưa giải quyết được thì con đường tu tập không bao giờ đạt được giải thoát hoàn toàn.

2.- SĂN SÓC NGƯỜI BỆNH

Hỏi: Nếu trong chúng tu học, có người ốm đau bệnh hoạn, thì có nên cử người trong chúng thay phiên đến nơi người bệnh để chăm sóc không?

Ðáp: Một người đã xuất gia tu hành, khi có bệnh tật thì trong tu viện quý thầy cũng như quý cô phải tự phân công chăm sóc bạn đồng tu của mình, vì quý thầy quý cô đều biết pháp đuổi bệnh, đều biết cách thức bảo vệ và giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, nên khi có một người bạn đồng tu bị bệnh thì quý cô quý thầy trực tiếp giúp bạn mình đầy đủ ý chí kiên cường vượt qua nghiệp lực nhân quả. Nếu để thân nhân của người ở thế gian nuôi bệnh thì người tu sĩ ấy sẽ bị đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn.

Cho nên người xuất gia có bệnh thì gia đình thân nhân đến thăm chứ không được ở lại nuôi bệnh. Vì nuôi bệnh theo kiểu thế gian thì người tu sĩ bị ái kiết sử, khi bỏ thân này vẫn còn tiếp tục tái sinh luân hồi, rất uổng phí cho một đời tu hành mà chẳng ích gì cho bản thân, chỉ vì sợi dây ái kiết sử đã đưangười tu sĩ theo luật nhân quả mà không sao tránh khỏi. Được người thân nuôi bệnh nên tình cảm ái kiết sử chi phối tâm không còn ý chí tự lực, phải theo nghiệp lực nhân quả mà ra đi. Nếu không có người thân nuôi bệnh thì phải tự cứu mình vượt qua nghiệp lực bằng ý chí và nghị lực. Quý thầy và quý cô hãy cẩn thận tự chủ đối trị bệnh trong khi nghiệp báo nhân quả đến thăm, không làm ảnh hưởng các bạn đồng tu trong tu viện Chơn Như.

@@@

Hỏi: Người tu sĩ khi gia đình có việc đột xuất, họ cần người tu sĩ ở lại giúp họ, như: bệnh ốm đau, gia cảnh, mắc hoạn nạn và có người chết, v.v… thì người tu sĩ đó có được ở lại hay không? Và gia đình họ có phòng riêng biệt, không có ai qua lại nơi đó, họ dành riêng cho người tu sĩ ở, thì người tu sĩ đó có được ở phòng đó không? Con kính mong Thầy chỉ dạy?

Ðáp: Khi người tu sĩ về thăm những người thân trong gia đình gặp cảnh hoạn nạn, người bệnh hay có người chết thì người tu sĩ được quyền ở lại để hướng dẫn những người thân trong gia đình phải theo đúng pháp của Phật dạy như:

1- Bệnh tật thì hướng dẫn người thân của mình biết cách đẩy lui tất cả bệnh tật ra khỏi thân, khiến cho những người thân trong gia đình đều được an ổn, không phải đi bệnh viện, chỉ nằm nhà trị bệnh mà thôi, dù có uống thuốc hay đi bác sĩ khám bệnh cũng không sao, vì có pháp trị bệnh thì cả gia đình không còn lo sợ. Nhưng khi trị bệnh thì người bệnh phải giữ gìn năm giới cho trọn vẹn, không nên vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới thì bệnh sẽ mau lành.

2- Gặp cảnh hoạn nạn thì người tu sĩ khai ngộ cho mọi người trong gia đình thông suốt luật nhân quả. Nhờ đó, mọi người đều vui lòng thản nhiên chấp nhận không hề lo lắng, sợ hãi trước cảnh hoạn nạn. Nhất là khuyên mọi người muốn vượt qua cảnh hoạn nạn thì nên sống đúng năm đức hạnh trong ngũ giới, đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới này thì hoạn nạn sẽ qua mau.

3- Nếu có người thân trong gia đình chết thì người tu sĩ ở lại hướng dẫn cách tẩm liệm, đặt quan tài trong nhà, lập bàn thờ rồi chôn cất theo đúng cách thức của Phật giáo nguyên thủy.

Tất cả những việc giúp đỡ trên đây, nếu mọi người trong gia đình chấp nhận thì người tu sĩ ở lại, còn không chấp nhận thì người tu sĩ xin giao lại cho những người thân giải quyết, và xin phép được trở về tu viện sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Trong khi ở lại trong gia đình để giải quyết mọi việc, thì người tu sĩ không được phép ở chung với bất cứ một người thân nào trong gia đình, phải ở riêng một căn phòng hay một túp lều trong vườn im vắng.

@@@

Hỏi: Người đời quá khổ đau khi có người thân trong gia đình bị lên đồng, nhập cốt (ma nhập). Họ phải chạy đôn, chạy đáo tìm thầy này đến thầy khác, hết lên núi rồi lại về chùa. Không biết họ gieo nhân gì mà gặp quả quá khắc nghiệt vậy? Nếu người tu sĩ Chơn Như gặp những trường hợp như thế sẽ chia sẻ những gì, để làm vơi bớt đi sự đau khổ của họ trong khi người tu sĩ tu tập chưa đến nơi đếnchốn? Mong Thầy thương xót chỉ bảo.

Ðáp: Người tu sĩ Chơn Như gặp những trường hợp như thế nên nói cho họ biết về luật nhân quả. Cuộc sống của con người hoàn toàn đang bị luật nhân quả chi phối và điều hành, cho nên những hiện tượng tưởng (lên đồng, nhập cốt) hoặc tai nạn, bệnh tật xảy ra đều do tiền kiếp gieo nhân nào thì đời này phải gặt lấy quả nấy.

Nếu đời trước người đó không học làm thầy cúng cầu siêu, cầu an, thầy pháp chiêu hồn luyện âm binh, đánh thiếp lên đồng nhập cốt, thầy bùa bắt ấn vẽ bùa, đọc thần chú trừ tà ếm quỷ, trừ ma trị bệnh, và thầy ngải dùng ngải nghệ mê hoặc người, làm cho người ta rối loạn thần kinh trở thành điên khùng. Nhất là quý thầy Mật tông luyện bùa đọc thần chú, tạo thành một thế giới tưởng để mê hoặc lòng người, nhờ đó nên làm tiền bất chánh. Lại thêm quý thầy phong thủy coi tuổi coi hướng, để làm ăn phát tài phát lộc. Thật sự không phải vậy, từ xưa đến nay đã chứng minh cụ thể, mọi người làm nhà không ai mà không xem ngày giờ tốt xấu; không ai mà không coi phương hướng. Vậy mà có người giàu, có người nghèo, chứ đâu có nhờ coi ngày giờ tốt xấu và đặt phương hướng mà ai nấy đều giàu sang cả. Các vua chúa đều đem hài cốt ông cha của mình chôn vào hàm rồng để mãi mãi con cháu làm vua chúa. Ðiều này đã minh chứng trong lịch sử cho chúng tathấy, không có một giòng họ nào làm vua mãi mãi, chỉ vài ba trăm năm là có sự thay đổi giòng họ khác. Cho dù quý thầy phong thủy chỉ dựa vào sách dạy về phong thủy của người xưa để lại. Người xưa dựa theo quy luật nhân quả âm dương làm ra sách vở này, nhưng các Ngài không rõ luật nhân quả. Quy luật nhân quả vô thường thay đổi liên tục, nếu nhân thiện thì hưởng quả an vui hạnh phúc, còn ngược lại nhân ác thì quả phải chịu nhiều điều buồn khổ. Cho nên sách phong thủy chỉ dùng cho những ông thầy lừa đảo.

@@@

Hỏi: Thầy có dạy người tu sĩ từ khi xuất gia ở tạitu viện không rời nữa bước cho đến khi chứng đạo mới thôi. Như vậy mới có cơ may làm chủ được sự sinh tử của mình. Vậy thì khi trong gia đình có người thân, nhất là cha mẹ bịốm đau tai nạn… mà người tu sĩ hay được tin thì nên tư duy quán xét như thế nào cho đúng vậy Thầy?

Ðáp: Các con có hiểu ý nghĩa xuất gia chưa? Xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà (gia đình). Làm rõ nghĩa xuất gia có cụm từ “cắt ái ly gia”. Cụm từ này chỉ rõ khi người xuất gia thì cần phải cắt đứt tình yêu thương mọi người trong gia đình và lìa ngôi nhà mà các con từ lâu đã sinh sống.

Bởi giặc sinh tử là một điều quan trọng nhất của kiếp sinh làm người, Vì lý do này chúng ta mới ly gia cắt ái; mới xuất gia theo Phật tu hành; mới chấm dứt mọi liên hệ với những người thân trong gia đình, nhờ đó may ra các con mới làm chủ giặc sinh tử và thoát khỏi kiếp người làm nô lệ. Cho nên phải nỗ lực, kiên trì, dũng cảm tu tập để không còn làm tay sai cho bất cứ một người nào khác.

Nếu còn liên hệ với gia đình dù một chút xíu nào thì cuộc đời đi tu chỉ hoài công vô ích. Bởi trong Phật giáo người tu sĩ quán xét nhân quả nên rất sợ ái kiết sử. Ái kiết sử là những sợi dây tình cảm vô hình, nhưng nó trói chặt con người hơn là những sợi dây lòi tói và cùm sắt.

Người tu sĩ khi xuất gia xong nghe gia đình có hữu sự thì nên quán xét lý nhân quả. Bởi luật nhân quả ai làm nấy chịu, không có người này làm mà người kia chịu thế được. Ví dụ: Có một người thân trong gia đình bị bệnh thì tất cả những người thân khác trong gia đình không ai có thể bệnh thay cho người thân được, mà chỉ có lấy mắt nhìn. Nhưng vì có cộng nghiệp nhân quả trong gia đình nên mọi người tâm khởi lên những nỗi ưu tư, buồn rầu, lo lắng, v.v… Nhưng dùcó ưu tư, buồn rầu, lo lắng bằng cách nào thì người bệnh cũng chẳng bớt đau chút nào cả. Sự ưu tư, buồn rầu, lo lắng đó cũng chỉ làm khổ mình chứ chẳng ích lợi gì cho ai cả. Vậy mà mọi người cứ để ái kiết sử lôi cuốn mà không chịu chấm dứt để vượt ra khỏi vòng tay nhân quả.

Một người trong gia đình trả nhân quả không đủ sao, mà lại cả gia đình đều xúm nhau trả nhân quả, có phải các con không thấy điều này sao? Các con đều có tri kiến hiểu biết sao lại mờ mịt như vậy. Bởi vậy,con người thật là vô minh khủng khiếp. Một người khổ không muốn lại muốn nhiều người khổ. Cái gọi là hiếu hạnh từ xưa đến nay người ta sử dụng là cái hiếu hạnh hình thức, tỏ ra mình thương yêu cha mẹ cho mọi người biết khen chơi, chứ sự thật mình có gánh vác bệnh đau của cha mẹ được chưa? Có thay thế cơn đau khổ, cái chết của cha mẹ chưa? Hay chỉ về đây nhìn ngó trong khi cha mẹ đang quằn quại trong cơn đau.

Hãy tư duy như Thầy đã dạy ở trên, tất cả các pháp trên thế gian này đều vô thường, đều do duyên nhân quả mà có thân này, mà có những người thân trong gia đình. Thân này và những người thân trong gia đình, dù cha mẹ, anh chị em đều không phải là ta, là của ta, thì có lý đâu các con để ái kiết sử làm động tâm. Tâm ý của người tu sĩ đâu có rảnh rang, lúc nào cũng bảo vệ và giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Vì thế, dù cho cha mẹ có bệnh đau hay chết thì hãy giữ gìn tâm bất động của các con để tiến tới tâm vô lậu. Tâm vô lậu mới là cứu cánh mình và cha mẹ, chứ tâm chưa bất động thì làm được những gì giúp đỡ cha mẹ. Khi tu tập chưa xong mà liên hệ trong hoàn cảnh nhân quả của gia đình thì tâm bất động có còn không? Và như vậy cuộc đời tu hành củacác con xuất gia để làm gì? Có ích lợi gì?

@@@

Hỏi: Ðể hành động dứt khoát. Có người cho rằng mình cứu mình chưa xong, chưa có khả năng mà đi cứu ai được? Nhân quả của ai nấy chịu. Khi nào mình tu xong có khả năng rồi thì hãy giúp đỡ sau.

Ðáp: Lời quán xét và tư duy này rất đúng, bây giờ về thăm có làm gì được chăng? Lại còn làm bận rộn những người thân trong gia đình, họ không biết sắp xếp cho các con chỗ ăn, chỗ ở như thế nào cho phù hợp. Ðó là làm khách cho những người thân cực khổ về mình, chứ thương yêu gì. Làm khổ mình, làm khổ nhiều người mà không thấy sao? Ðã đi xuất gia tu hành rồi, còn về thăm gia đình thì làm được những gì gọi là đền ơn, đáp nghĩa? Chỉ về đó bòn rút tiền bạc, thực phẩm bánh trái của những người thân trong gia đình, để phạm giới phá giới ăn uống phi thời, mất hạnh độc cư, để tâm phóng dật chạy theo sáu trần. Cho nên, khi tu tập chưa chứng đạo thì đừng nên về gia đình, mà hãy nổ lực tu để đền công ơn sinh thành dưỡng dục.

@@@

Hỏi: Có người lại cho rằng tuy mình chưa có khả năng nhưng đã biết được cách thức đẩy lui bệnh tật, thì mình cũng nên bàyvẽ giúp đỡ cho người thân, may ra cứu được, nếu không lỡ có mệnh hệ gì làm sao tìm lại được? Nhất là dù sao thì cũng an ủi được người thân ít nhiều, và như vậy cũng là đã trọn tình, v.v… Còn nếu làm ngơ thì thật vô tình! Cả nhẫn tâm nữa.

Ðáp: Trí tuệ nhân quảở đâu sao các con không quán xét mà lại tư duy quán xét theo kiểu tâm phàm phu, thế tục như vậy. Vậy các con theo Thầy tu xả tâm hay tu ức chế tâm.

Tu xả tâm mà tâm khởi niệm như vậy không quét ra cho sạch mà còn thưa hỏi linh tinh không đúng đường lối tu tập của Phật giáo tâm bất động. Khi khởi niệm như vậy thì tâm bất động đâu còn. Tâm bất động không còn thì đi tu xuất gia để làm gì? Mục đích của Phật giáo là giải thoát khỏi tâm thế tục, ái kiết sử, khỏi bị sự ràng buộc của nhân quả, khỏi bị sự sống chết chi phối từng phút, từng giây.

Khi chính bản thân mình còn chưa đủ lực làm chủ sinh, già, bệnh, chết, mà về trợ giúp cha mẹ mình thì đầu óc các con có bình thường không? Hai chữ “MAY RA” nghe sao nó mong manh như một việc làm cầu may, mà người tu sĩ không thể làm việc cầu may như vậy được. Người tu sĩ làm là làm đâu phải được đấy, làm chắc chắn 100% mới làm.

Ở đây có một cụm từ trong câu hỏi rất kêu: “An ủi, vô tình, nhẫn tâm, trọn tình, làm ngơ”. Ðấy là những từ tự mình dùng nó để lừa lại tâm mình. Các con biết rất rõ các pháp có được là do nhân quả không? Mà do nhân quả sinh ra thì các pháp đều vô thường. Mà đã vô thường thì làm sao có pháp nào là ta, là của ta. Vậy không có pháp nào là ta, là của ta thì các con an ủi ai? Vô tình với ai? Nhẫn tâm với ai? Trọn tình với ai? Làm ngơ với ai? Các con cứ nhìn các pháp là thật có. Có pháp nào thật ở đâu? Toàn là duyên hợp mà thành, nhưng khi hết duyên toàn gặp duyên tan mà hoại, có pháp nào bền chắc đâu?

Sao các con không quán xét tư duy để xả bỏ tất cả các pháp vô thường, các pháp nhân quả, để giữ gìn một pháp duy nhất đó là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Ðó là một trạng thái tâm hạnh phúc tuyệt vời mà người xuất gia phải lấy đó làm cuộc sống, chứ đâu còn lấy gia đình làm cuộc sống nữa. Phải không các con?

Xuất gia là bỏ ngôi nhà thế tục đầy dẫy đau khổ, thương ghét, giận hờn, buồn phiền, lo toan, sợ hãi, v.v… để rồi vào ngôi nhà Như Lai tràn đầy sự bình an. Thế mà ở trong nhà Như Lai lại để tâm hồn mình trong ngôi nhà thế tục, thì còn nghĩa lý gì xuất gia các con ạ!

@@@

Hỏi: Vậy thì, nếu người tu sĩ về nhà giúp đỡ thì có điểm hay như vậy, nhưng có điểm dở gì không? Sự nghiệp tu tập có bị trở ngại lớn lắm không?

Ðáp: Giúp đỡ cho nhà thế tục hay là người xuất gia chưa dứt khoát ái kiết sử. Người xuất gia chưa dứt khoát ái kiết sử thì hay ở điểm nào? Ðược mọi người khen là đứa con có hiếu ư! Hay lương tâm của mình cho mình là đứa con có hiếu hạnh.

Người xuất gia còn đi tới đi lui nhà thế tục là hay lắm sao? Là để nhiễm ô thêm mùi dục lạc thế gian; là để ái kiết sử ngày càng ràng rịt thêm mà không sao cắt bỏ được, như vậy giỏi hay là dở. Sự nghiệp tu hành giải thoát rồi sẽ ra sao? Xuất gia làm chi cho uổng phí một đời tu hành. Ðạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời.

Xuất gia tu hành là phải có ý chí dũng mãnh dứt khoát, đời là đời, đạo là đạo, chứ không thể mượn đạo tạo đời. Biết bao người tu hành theo Phật giáo hiện giờ mượn đạo tạo đời, để sống trên mồ hôi nước của đàn na thí chủ, hèn hạ lắm các con ạ!

@@@

Hỏi: Có ý kiến cho rằng như vậy mới là sự áp dụng đức hiếu sinh vào đời sống thực tế.

Ðáp: Xuất gia mà áp dụng đức hiếu sinh như vậy là chưa hiểu biết đức hiếu sinh. Ðó là đức hiếu sinh của người thế tục, chứ đâu phải đức hiếu sinh của người xuất gia. Ðức hiếu sinh của người xuất gia là phải tập tu cho mình chứng đạo. “Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng”. Lời dạy này là trách nhiệm bổn phận của người xuất gia, phải làm đúng nghĩa của nó mới được gọi là hiếu sinh.

Các con đã lầm lộn, lấy hiếu sinh thế gian làm hiếu sinh xuất thế gian. Ở đây, rõ ràng có hai thế giới, có hai cuộc sống khác nhau như trời và vực, vậy mà các con cố gắng làm liền nhau thì cuộc đời tu hành của các con được những gì đây? Hay chỉ là một số kiến thức hỗn độn.

@@@

Hỏi: Còn nếu như người tu sĩ quyết tâm ở lại tu tập, dù cho gia đình có việc gì hệ trọng đi nữa thì có bị rơi vào vô tình, liệt cảm không?

Ðáp: Không, nếu người tu sĩ ở lại không đi đâu nửa bước, lúc nào cũng ôm pháp tu tập, giữ gìn tâm luôn luôn bất động trong trạng thái “BẤT ÐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ”. Và như vậy người tu sĩ ấy chứng đạo. Tâm đã chứng đạo thì chỗ nào gọi là vô cảm liệt tuệ, khi từ trường vô lậu của người chứng đạo đã làm thay đổi mọi sự đau khổ của những người thân. Còn tu chưa chứng thì về thăm chỉ lấy mắt mà nhìn, chứ làm gì cho người thân mình giảm khổ đau. Tình thương yêu ái kiết sử là một thứ tình yêu thương làm khổ mình, khổ người chứ giúp đỡ gì được ai. Bởi vậy, các con hãy suy tư cho chín chắn, để không phí một cuộc đời tu hành quá uổng. Tu hành quý là ở chỗ biết sống đúng hạnh của người tu hành, nếu sống không đúng hạnh của người tu hành người hiểu biết sẽ cười chê, làm mang tai tiếng cho người tu hành khác. Những việc làm không đúng này tội lỗi về ai, các con có biết không?

@@@

Hỏi: Và như vậy, khi có sự dứt khoát ở lại tu tập thì người tu sĩ có những lợi ích gì?

Ðáp: Lợi lớn lắm chớ! Chứng đạo, sự lợi ích của chứng đạo khắp trên thế gian này không có lấy vật gì so sánh được. Vậy mà mọi người không ai chịu hiểu, cứ mải mê chạy theo những hành động hiếu hạnh phàm tình thế tục, rồi đây người tu hành và cha mẹcùng trôi lăn trong lục đạo chịu khổ đau không cùng tận. Cha mẹ không cứu con được, mà con cũng không cứu cha mẹ được, thật là vô minh, điên đảo.

@@@

Hỏi: Và sự tư duy phải như thế nào để lương tâm không bị ray rứt, không bị trạo hối, khi mà sau này người thân có chuyện không may.

Ðáp: Nên tư duy theo những lời Thầy ở trên. Thường xuyên triển khai tri kiến giải thoát, nhất là phải hiểu rành qui luật nhân quả. Trong gia đình là một chùm nhân quả, đời trước vay nợ với nhau chưa trả xong cho nên đời này lại tiếp tục trả nữa. Cha con, chồng vợ là nợ nhân quả, các con có hiểu không? Vì thế, người xuất gia lo đóng cửa thất, không tiếp duyên ra ngoài, lúc nào cũng phòng hộ sáu căn không nên tiếp xúc với sáu trần, và nhất là hằng ngày phải siêng năng tu tập ly dục ly ác pháp. Có tu tập như vậy mới mong trả nợ nhân quả xong, còn đi tới đi lui thăm viếng cha mẹ, anh em chị thì nợ nhân quả lại chồng thêm, biết trả chừng nào cho xong, và sợi dây ái kiết sử sẽ được dịp trói chặt hơn nữa. Cho nên, người xuất gia đi ra ngoài, khỏi phạm vi tu viện là phạm nhiều giới. Nhất là sáu căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không sao tránh khỏi phạm giới. Người xuất gia phải cảnh giác, đừng xem thường giới luật Phật mà phải đọa vào mọi sự khổ đau (địa ngục).

3.- TRỒNG CÂY

Hỏi: Cây rau ngót và cây rau mồng tơi con có trồng vài cây ở thất, để khi thân con quá nhiệt bị đi kiết, con dùng vào những ngày đó có được không? Có rơi vào dục tham ăn tăng trưởng ác pháp và phạm vào giới luật không? Con xin thầy chỉ dạy cho con biết.

Ðáp: Ðây là vần đề trồng những cây rau mát để đối trị bệnh thì được, nhưng phải tự tin vào pháp Phật bằng phương pháp NHƯ LÝ TÁC Ý sẽ đuổi tất cả bệnh ra khỏi thân tâm. Nếu đặt trọn lòng tin vào pháp Phật thì không nên trồng trọt gì cả, dù là cây thuốc, chỉ ngồi chơi xả tâm cho rốt ráo, để lúc nào tâm cũng bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Ðó không phải là chứng đạo sao? Ðó không phải là giải thoát sao?

@@@

Hỏi: Ở xung quanh thất con, đất trống không cỏ nên nhiều côn trùng. Con tranh thủ nhổ cỏ, trồng cây củ mì và mấy loại cây bí đỏ, dâm bụp bao xung quanh thất, và trồng xoài, mãng cầu, cây mai, v.v… Con làm như vậy có phạm vào giới luật không? Vì con thấy chưa vào tu độc cư hoàn toàn vẫn còn đi học và lao tác quét dọn, mỗi khi con làm con lại tác ý để không làm hại đến chúng sanh. Con làm như vậy có được không? Con xin thầy chỉ dạy, con kính thưa Thầy.

Ðáp: Sinh tử là một việc trọng đại, cho nên đâu cần gì phải trồng trọt. Trồng trọt là phạm giới. Trong giới luật thiểu dục tri túc mà còn suy tư trồng trọt thì đâu còn tri túc thiểu dục, tức là chưa ít muốn biết đủ. Bây giờ các con còn ở một chỗ, nhưng mai kia mốt nọ các con sẽ di chuyển nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác. Là một du tăng khất sĩ làm sao trồng trọt được. Hiện giờ các con chỉ nên trồng cây dâm bụp làm rào xung quanh thất cho kín đáo, để phòng hộ sáu căn trong khi tu tập, nhờ đó để giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Người tu hành chỉ có một việc mà các con cần phải làm từ ngày này sang ngày khác, đó là việc ngồi chơi xả từng niệm khởi trong tâm, từng cảm thọ trong thân và hôn trầm, thùy miên và vô ký trong thân và tâm. Việc làm này đòi hỏi các con phải tu tập liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi hay làm bất cứ một việc gì khác. Cho nên các con đâu còn có thời gian trồng trọt.

Giờ lao tác làm vệ sinh các thất trong khu vực các con ở, phải có giờ khắc nhứt định vào buổi chiều hay buổi sáng hằng ngày, giờ làm lao tác vẫn xả tâm như đang tu tập vậy. Còn trồng trọt cây trái là có sự suy tư tính toántrước rồi sau mới trồng trọt. Như vậy thì tâm các con bị động chứ làm sao bất động được.

Vì thế, con không nên trồng trọt, mà phải để thời gian đó lo tu tập xả tâm là tốt nhất.

@@@

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong khu vực thất con đang ở có những cây rau má, cần cua, hay những cây trái như mãng cầu ta, ớt, nếu con hái cắt ăn thêm trong một bữa cơm trưa như vậy có phạm giới hay không?

Ðáp: Ăn như vậy phạm vào giới LỤC HÒA. Trong lục hòa có “LỢI HÒA ÐỒNG QUÂN”, tức là ăn thêm nhiều hơn người khác, nhất là phạm vào giới không ly tham. Ăn còn muốn ăn bất cứ một cái gì thêm là còn tham ăn, tham ăn mà không ly được thì không thể lìa sinh tử được. Ðến giờ ăn khi đi khất thực có cái gì ăn cái nấy, nên đi hái rau hoặc ớt để ăn thêm thì phải biết tâm mình còn tham. Dù đó là một lỗi nhỏ nhặt, nhưng các conphải nhớ lời đức Phật dạy: “PHẢI SỢ HÃI TRONG CÁC LỖI NHỎ NHẶT”.

Muốn đẩy lui các chướng ngại pháp nơi thân tâm của mình thì đừng nên phạm vào các lỗi nhỏ nhặt, nhất là giới ly tham.

@@@

Hỏi: Vì con nghĩ nếu không cắt, hái ăn thì nó cũng tự chết và hư rụng, còn đem lên nhà bếp thì ít quá, cũng chẳng làm được gì?

Ðáp: Ðó là lối lý luận để bào chữa tâm tham ăn của mình, cái tâm quá khéo léo để đánh lừa con: nào là tự chết, hư rụng; nào là quá ít, đem lên nhà bếp cũng không đủ chia ra được.

Bởi vậy, nếu không có giới luật của Phật làm cơ bản cho sự sống của tu sĩ, thì cái tâm của các con sẽ đưa các con chạy theo ngũ dục lạc phạm biết bao nhiêu là tội lỗi, nhưng lại tựxem mình là chân chất, thật thà, là oai nghi chánh hạnh. Câu hỏi trên đây của con cũng là cái tâm dối trá lừa đảo, lý luận để làm lỗi mà không biết mình có lỗi.

@@@

Hỏi: Trong trường hợp sau này Tăng đoàn, Ni đoàn du tăng khất sĩ đi đây đi đó, nếu vào một trụ xứ đồng ruộng rừng núi hoang vắng, có những loại rau hoang dã mọc tự nhiên không phải người ta trồng, như rau muống đồng, cần cua, rau má, v.v… Có được cắt ăn hay không?

Ðáp: Ðược, nhưng khi cắt ăn phải chia nhau đồng đều “LỢI HÒA ÐỒNG QUÂN”. Ðời sống của tăng đoàn là đời sống LỤC HÒA, các con nên nhớ điều này, đừng để vi phạm trong những lỗi nhỏ nhặt mà con đường tu hành sẽ không bao giờ ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Con đường tu theo Phật giáo không khó, nhưng khó là giữ gìn giới luật Phật, vì sơ xuất là bị phạm giới, phạm vào những oai nghi làm mất chánh hạnh. Tu hành theo Phật giáo hằng ngày phải tâm niệm: “SỢ HÃI TRONG CÁC LỖI NHỎ NHẶT”. Có sợ hãi như vậy mới oai nghi chánh hạnh đầy đủ.

@@@

Hỏi: Trong những trường hợp đi khất thực được ít, không đủ no, hoặc không có ai cho gì. Và có trường hợp nào mà người tu sĩ cắt hái, lượm (quả chín rơi rụng), đào các loại rau, quả, củ ăn mà không phạm giới không?

Ðáp: Trong trường hợp đi khất thực không đủ ăn, ở trong rừng các con có quyền đi lượm trái cây hay đào lấy củ khoai để nấu ăn cho no đều được, không hề vi phạm, nhưng chỉ ăn ngày một bữa không nên ăn phi thời, vì ăn phi thời mới là phạm giới. Cho nên người tu sĩ cần phải nghiêm trì giới luật, phải sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt. Khi tự mình làm ra thực phẩm, tuy là trái cây hay củ khoai đều phải cảnh giác trong việc ăn uống dễ phạm vào giới luật.

@@@

Hỏi: Trong thất con có để một bình nước lọc khoảng 20 lít để uống, như vậy có bị phạm vào giới luật không? Con kính mong Thầy chỉ dạy.

Ðáp: Không, vì giữ nước sạch trong để trong thất khi nào khát nước thì uống, không khát thì thôi. Ðiều đó không có phạm giới luật nào cả. Chỉ giữ thực phẩm hay nước uống có chất bổ, ngon ngọt thì mới phạm giới.

Post Comment