Saturday, 4 May 2024
blog

6 nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Việt Nam

6 nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Việt Nam

4 nhà sản xuất hàng đầu chiếm gần 90% thị phần. Xếp sau là 2 công ty từng thống trị thị trường trong quá khứ: Vifon và Miliket.

Người Việt tiêu thụ 7 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2020, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Indonesia. Tính trung bình, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 72 gói mì/năm, đứng thứ 2 thế giới sau Hàn Quốc.

Thị trường mì ăn liền màu mỡ của Việt Nam đã thu hút hơn 50 nhà sản xuất, với các doanh nghiệp trong nước, liên doanh và nước ngoài.

Sau đây là 6 nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Việt Nam.

  1. Acecook Việt Nam

Acecook Việt Nam đã liên tục giữ vị trí số một của ngành công nghiệp mì ăn liền trong nước trong khoảng 2 thập kỷ gần đây. Doanh nghiệp này chính thức thành lập vào ngày 15/12/1993 và gia nhập thị trường từ năm 1995. Hiện, Acecook Việt Nam đang chiếm 35% thị phần thị trường trong nước.

Acecook Việt Nam tiền thân là liên doanh giữa Acecook – một doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước Vifon. Năm 2004, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam sau khi Vifon thoái vốn.

Sản phẩm ăn khách nhất của Acecook là Hảo Hảo, nhãn hiệu mì gói bạn chạy nhất Việt Nam, với lượng cung ứng trung bình gần 3 tỷ gói mỗi năm. Mì Hảo Hảo chiếm 60% tổng doanh thu của Acecook, 40% còn lại thuộc về các dòng sản phẩm khác như mì Đệ Nhất, phở Good, mì ly Modern, miến Phú Hương, …

Doanh thu của Acecook tăng trưởng trung bình 8,2% từ năm 2017-2020. Năm 2020, doanh thu thuần đạt 11.531 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.892 tỷ đồng, tăng 14,0% so với năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 33,6%, ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Gần đây, Acecook dính vào vụ bê bối khi sản phẩm của hãng xuất khẩu sang châu Âu bị phát hiện chứa chất ethylene oxide có thể gây ung thư. Tuy nhiên, Acecook tuyên bố sản phẩm của hãng ở thị trường Việt Nam không chứa chất này.

  1. Masan Consumer

Giữ vị trí thứ 2 trong ngành mì ăn liền là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), một doanh nghiệp thực phẩm vào hàng lớn nhất Việt Nam. Ngoài mì gói, các sản phẩm nổi tiếng của Masan còn bao gồm nước mắm, nước tương, tương ớt, đồ uống đóng chai, … Theo kết quả khảo sát của Kantar Worldpanel, khoảng 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.

Mì gói Omachi của Masan, được quảng cáo là mì khoai tây, chiếm lĩnh phân khúc cao cấp với 45% thị phần, là loại mì tô bán chạy nhất cả nước. Ở phân khúc trung cấp, mì Kokomi hiện là thương hiệu mì bán chạy nhất miền Bắc với 41,5% thị phần. Nhìn chung, thị phần mì gói của Masan đứng thứ hai toàn ngành với 27%.

Năm 2020, doanh thu thuần ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer đạt 6.882 tỷ đồng, tăng 38,5% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu từ mì gói Omachi tăng 32,0% so với năm trước, Kokomi tăng trưởng 42,8%.

  1. Uniben

Uniben cũng là một trong những gương mặt nổi bật của thị trường mì ăn liền Việt Nam. Thị phần trong năm 2020 của Uniben là khoảng 15%. Đáng chú ý, sự bành trướng của Masan đang gây ảnh hưởng lớn đến Uniben, khi thị phần của doanh nghiệp này giảm hơn 2% so với năm 2018.

Uniben hiện sở hữu 2 nhà máy lớn ở Hưng Yên và Bình Dương, với trang thiết bị được giới thiệu là hiện đại bậc nhất khu vực. Công ty có 2 thương hiệu chính là 3 Miền và Reeva. Trong đó, mì 3 Miền là thương hiệu mì ăn liền được chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam, theo khảo sát năm 2017 của Kantar Worldpanel.

Về bức tranh tài chính, đầu tháng 8/2021, Uniben đã tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu từ 900 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) đã đầu tư 213 tỷ đồng vào Uniben trong quý II/2021.

Doanh thu của Uniben có sự sụt giảm nhẹ 1,3% trong năm 2019 nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2020, vượt mức 3000 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Uniben liên tục tăng từ năm 2016; đặc biệt tăng mạnh 451% năm 2020 so với năm 2019, đạt 216,3 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Uniben là 37,0%, cao nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.

  1. Asiafoods

Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asiafoods) được thành lập từ năm 1990, gắn liền với nhãn hiệu mì gói Gấu Đỏ. Theo số liệu năm 2020, Asiafoods chiếm khoảng 10% thị phần mì ăn liền Việt Nam. Asiafoods có 4 nhà máy; 1 nhà máy ở mỗi tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng và 2 nhà máy ở Bình Dương; tổng công suất khoảng 1,25 tỷ gói mỗi năm. Các sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới gồm Campuchia, Lào, Đài Loan, Hàn Quốc, Cuba, Hungary, Slovakia, Nga, Ukraine.

Doanh thu của Asiafoods có sự sụt giảm nhẹ từ năm 2016 đến 2018, nhưng đã phục hồi vào năm 2019. Năm 2020, Asiafoods đạt doanh thu 3.298 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ đồng, tăng 31,3% so với năm 2019, sau khi đạt đỉnh 877 tỷ đồng vào năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Asiafoods năm 2020 là 26,0%.

  1. Vifon

Vifon là một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất trong ngành mì ăn liền Việt Nam, được thành lập từ năm 1963 dưới chế độ miền Nam cũ. Sau năm 1975, doanh nghiệp này bị quốc hữu hóa. Những năm 90, Vifon là thương hiệu đình đám trên thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Trong thời kỳ này, Vifon đã bắt tay với Acecook khi doanh nghiệp Nhật Bản tiến vào Việt Nam, thành lập liên doanh Vifon Acecook. Đến năm 2004, Vifon thoái vốn khỏi liên doanh. Nhưng sau đó, hoạt động kinh doanh của Vifon sa sút, trong khi Acecook lại vươn lên mạnh mẽ và trở thành ông vua mì gói Việt Nam.

Để tránh sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường mì trong nước, Vifon đã chọn hướng đa dạng hóa, đầu tư vào các sản phẩm như phở hay miến và các loại gia vị như bột canh, tương, dầu hào và đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhờ chiến thuật này, doanh thu của Vifon tăng trưởng liên tục từ năm 2015 đến năm 2020. Năm ngoái, doanh thu của Vifon đạt mức tăng trưởng vượt bậc 45,1% lên 2.143 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ở mức 9,175 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 năm gần đây. Tỷ suất lợi nhuận gộp rất thấp là 7,0%.

  1. Colusa Miliket

Colusa Miliket được thành lập từ trước năm 1975. Đây là một trong những thương hiệu từng thống trị tại Việt Nam, với 90% thị phần vào những năm 90 của thế kỷ trước. Gói mì với bao bì in hình 2 con tôm là một hình ảnh biểu tượng được rất nhiều người Việt Nam ghi nhớ.

Tuy nhiên, sau năm 2000, trước sự gia nhập của nhiều thương hiệu mì ăn liền khác, Miliket dần mất vị thế trên thị trường. Ngày nay, thị phần của Miliket chỉ còn dưới 4%.

Chiến lược của Miliket là cung cấp sản phẩm giá rẻ nhất, nhắm tới phân phối bán lẻ tại các cửa hàng bình dân và khu vực nông thôn. Hãng cũng là một trong số ít đơn vị vẫn còn sản xuất mì ký.

Điều này dường như đã giúp Miliket tìm được ngách nhỏ trên thị trường. Năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 611 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 22,1 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Miliket đạt 23,0%.

Post Comment