Monday, 20 May 2024
blog

Các cuộc gọi báo phạt tiền giao thông là lừa đảo

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện các cuộc giả danh lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thông báo phạt nguội vi phạm giao thông. Tại Hậu Giang, cũng đã ghi nhận một số trường hợp tương tự.

Các cuộc gọi từ đầu số lạ thông báo phạt nguội giao thông là lừa đảo.

Vừa qua, đang di chuyển trên đường, điện thoại của phóng viên bất ngờ nhận được cuộc gọi từ đầu số +0010743790969. Sau khi bấm nghe máy, phía bên kia đầu dây cho biết đây là tổng đài thông báo xử phạt vi phạm giao thông và đề nghị phóng viên nhấn phím 9.

Sau khi làm theo hướng dẫn, tổng đài trên chuyển đến một nhánh khác và có một người tự xưng là đại diện lực lượng CSGT, thông báo có một biên bản phạt nguội và hỏi phóng viên đã nhận được biên bản xử phạt chưa? Nếu chưa thì yêu cầu cung cấp thông tin để đơn vị tra cứu số biên bản, hành vi vi phạm và hình thức xử lý. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp thêm thông tin cơ quan, đơn vị công tác và đặt vấn đề tại sao cơ quan công an lại làm việc qua điện thoại thì người này cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin và tắt máy.

Tương tự, chị Lý Hồng An, ngụ ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Vừa qua, tôi cũng nhận được cuộc gọi nói là tổng đài xử phạt của lực lượng CSGT và yêu cầu cung cấp số biên bản, thông tin cá nhân của tôi để họ tra cứu. Tôi trả lời rằng tôi ở quê, có đi đâu xa đâu mà vi phạm giao thông. Nghe xong, tôi chuyển lại cho con để nó tìm hiểu thì biết là bị lừa”.

Chị An cho biết thêm: “Mấy người bạn tôi cũng bị gọi, nhưng do cảnh giác nên nói với đối tượng là không chạy xe, chạy xuồng gì hết, sao bị phạt được. Nghe máy thì như tổng đài vậy đó, kêu bấm phím 9 để kết nối với người hướng dẫn. Nhiều người bị kiểu này lắm luôn”.

Thực tế chiêu trò mạo danh CSGT thông báo người vi phạm giao thông bị phạt nguội để thực hiện các hành vi lừa đảo không mới. Trước đây, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân về các hình thức lừa đảo tương tự như thông báo có liên quan đến vụ án hình sự; thông báo nợ tiền điện, cước viễn thông; lừa đảo trúng thưởng…

Thủ đoạn thường thấy của các đối tượng này là sử dụng điện thoại, giả danh cơ quan chức năng, đơn vị giám sát camera giao thông, trung tâm đăng kiểm… gọi đến điện thoại của người dân thông báo việc có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo để chấp hành quyết định nộp phạt hoặc phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội. Trường hợp người dân cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho các đối tượng xấu dễ dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, khẳng định: “Thời gian qua, xuất hiện nhiều gọi cuộc điện thoại giả danh thông báo đến người dân có vi phạm giao thông để yêu cầu cung cấp thông tin hay chuyển tiền đến bất kỳ tài khoản nào để nộp phạt. Do đó, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo này, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay chuyển tiền bất cứ hình thức nào đến các đối tượng để nộp phạt vi phạm giao thông. Các cơ quan chức năng không làm việc hoặc xử lý vi phạm giao thông qua điện thoại nên người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa đảo”.

 Với thủ đoạn nhắm vào tâm lý lo sợ khi bị cho là vi phạm giao thông, người dân rất dễ dàng sập bẫy các đối tượng lừa đảo theo phương pháp này. Vì vậy, bên cạnh việc tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, ngân hàng cho bất cứ ai gọi điện, nhắn tin theo hình thức biên lai phạt nguội vi phạm giao thông, người dân nên có hình thức chặn, không nhận cuộc gọi hoặc liên hệ trình báo với ngành chức năng để có hướng xử lý tốt nhất.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Post Comment