Saturday, 27 Apr 2024
blog

Cầm đồ – nghề nguy hiểm!

Khi tìm hiểu sâu về nghề này ở TP HCM mới thấy rằng đây là một nghề hết sức phức tạp, nguy hiểm vì hàng ngày không chỉ đối diện trước đồ giả, đồ gian mà còn chạm mặt với kẻ cướp và những người túng quẫn khác rất dễ làm liều…

Chủ tiệm cầm đồ: vừa là nạn nhân…

Khoảng giữa năm 2008, Công an TP HCM triệt phá một băng nhóm chuyên giả danh các thương nhân để lừa đảo các chủ tiệm garage do Phan Hoàng Lan (49 tuổi, ngụ quận 1) cầm đầu.

Để có tiền “nướng” vào các sòng bạc ở Campuchia, nhóm này tìm đến các garage ở Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú… để hỏi thuê xe ôtô đời mới với giá từ 1.000 – 1.400 USD/tháng với điều kiện là chủ garage phải giao đủ các loại giấy tờ xe. Xong xuôi, chúng chạy xe thẳng đến tỉnh Tây Ninh, khu vực giáp ranh với Campuchia để bán rẻ hoặc “cắm” vào tiệm cầm đồ rồi sang các sòng bạc sát phạt.

Trong một lần bọn lừa đảo này đang gạ cầm cố chiếc ôtô Honda Civic với số tiền 20.000 USD thì bị Công an TP HCM bắt quả tang.

Các chủ tiệm cầm đồ không chỉ mất trắng số tiền cầm mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” do cầm đồ của người không phải là chủ sở hữu của tài sản.

Mới đây nhất là trong tháng 3, Công an quận Tân Phú triệt phá đường dây tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước do Nguyễn Bá Hiếu và đồng bọn gây ra.

Thủ đoạn của bọn này là mua các loại xe gian đắt tiền như SH, Excel, Air Blade… của bọn trộm cướp rồi làm giả, cạo sửa giấy đăng ký xe, CMND giả đem đi cầm ở các tiệm cầm đồ, thu lợi mỗi chiếc hơn 10 triệu đồng. Trong hoàn cảnh này, rất khó cho các chủ tiệm cầm đồ, song, nếu như họ cẩn thận dùng kính lúp hoặc yêu cầu người cầm xuất trình hộ khẩu thì có lẽ đã phát hiện kẻ gian…

Như trường hợp của một chủ tiệm cầm đồ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) vì cảnh giác đã tránh được một vụ cầm vàng giả mà còn giúp lực lượng Công an bắt kẻ phạm tội. Đó là Luân Thị Ngọc Hạnh (45 tuổi) – một kẻ chuyên dùng vàng giả để lừa các tiệm cầm đồ và đã thực hiện trót lọt 26 vụ, chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng.

…Và có cả “thủ phạm”

Theo quy định của pháp luật, hàng hóa, tài sản được sử dụng để cầm đồ phải là động sản, có giá trị mua bán, trao đổi thuộc quyền sở hữu hợp pháp của khách hàng. Nếu hàng hóa, tài sản thuộc sở hữu của người thứ 3, hoặc sở hữu chung thì nhất thiết phải có ủy quyền.

Nhưng trên thực tế, hơn 3.000 cửa hiệu cầm đồ trên địa bàn TP HCM có mấy nơi thực hiện theo đúng quy định này? Khi tôi mang chiếc xe gắn máy (có giấy đăng ký xe đứng tên người khác) đem cầm ở 3 tiệm cầm đồ trên đường Trường Chinh (Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) và Lê Văn Sỹ (quận 3) thì cả 3 nơi đều nhận cầm mà không cần phải có giấy ủy quyền hợp pháp.

Xe gắn máy còn thế, nên chuyện đi cầm vòng vàng, điện thoại di động, tivi… chẳng tiệm cầm đồ nào lại đòi hỏi hóa đơn chứng minh nguồn gốc hoặc chí ít là giấy CMND của người cầm. Từ sơ hở này đã tạo điều kiện của những kẻ trộm, cướp có đầu mối tiêu thụ “hợp pháp” đồ gian và gây ra nhiều hệ lụy sau này.

Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, việc xử lý tài sản, hàng hóa cầm đồ có giá trị từ 500.000 đồng trở lên phải thực hiện bằng hình thức bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Nhưng, như đã nói ở trên do “đầu vào” không đúng quy định, do đó việc xử lý tài sản, hàng hóa cầm đồ quá hạn  cũng theo luật… vỉa hè, tức mua bán bằng hình thức giấy tay…

Ngoài ra, pháp luật cũng đã quy định rõ, lãi suất cầm đồ tối đa không quá 3% tháng; trường hợp cho vay dưới 10 ngày, lãi suất tối đa không quá 0,3%/ngày nhưng trên thực tế lãi suất cao hơn nhiều, dao động từ 3-8%/tháng, còn vay dưới 10 ngày lãi suất lên đến 1%/ngày là chuyện thường tình.

Vậy ai quản lý và xử lý sai phạm của các doanh nghiệp hoạt động cầm đồ?  Hiện tại, đơn vị cấp phép là Sở kế hoạch Đầu tư, còn quản lý như thế nào và “sống chết ra sao” thì thuộc về địa phương (quận, huyện) và các ban, ngành chức năng khác, trong đó có ngành Công an.

Tôi còn nhớ trong một cuộc họp vào năm 2006, Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM cho hay, những tiệm cầm đồ nào nhận cầm các loại tài sản có giấy tờ sở hữu mà không xuất trình được sẽ bị phạt hành chính hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền rút giấy phép. Còn nếu có dấu hiệu tiếp tay cho tội phạm thì sẽ xử lý hình sự.

Tuy nhiên, qua các vụ xử lý chủ tiệm cầm đồ cho thấy phần lớn họ bị phát hiện là do liên quan đến việc cầm cố tài sản của tội phạm của một vụ án nào đó bị triệt phá, chứ rất ít khi cơ quan chức năng kiểm tra cửa hiệu cầm đồ và phát hiện đồ gian.

Từ những phân tích trên cho thấy rằng, hiện nay việc quản lý cửa hiệu cầm đồ vẫn chưa thật sự chặt chẽ, tạo điều kiện cho kẻ tội phạm rộng đường “đầu ra” cho đồ gian cũng như những tiệm cầm đồ thiếu chân chính làm liều trục lợi. Đây là vấn đề mà chúng tôi muốn nêu ra trong bài viết này để các cơ quan chức năng cần lưu tâm để có cách quản lý tốt hơn.

Ngoài ra, cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo dành cho các chủ tiệm cầm đồ là cần phải cảnh giác trước bọn tội phạm vì cửa tiệm cầm đồ cũng là một trong những điểm nhắm (cùng với tiệm vàng) của bọn tội phạm giết người, cướp của hiện nay

Post Comment