Friday, 3 May 2024
blog

Cảnh báo tình trạng giả danh cảnh sát lừa đảo “cấp chứng chỉ phòng cháy”

Số điện thoại của đối tượng giả danh công an gọi cho chủ doanh nghiệp.Số điện thoại của đối tượng giả danh công an gọi cho chủ doanh nghiệp.

Mới đây, ngày 25/6/2021, chị Phạm Thu Hường, kinh doanh tạp hóa ở phường Đông Kinh (TP. Lạng Sơn) nhận được một cuộc điện thoại của người lạ, tự xưng là cán bộ Công an thành phố hướng dẫn thủ tục cấp hồ sơ, chứng chỉ PCCC. Lý do vị “cán bộ” đưa ra hết sức thuyết phục: “Nếu cơ sở bị xử phạt sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu của Công an thành phố”. Theo hướng dẫn, chị Phạm Thu Hường chủ cơ sở được lựa chọn mức kinh phí từ 3,2 đến 6,5 triệu đồng tùy thuộc vào thời hạn cấp phép.

Trước đó, ngày 22/6/2021, anh Hoàng Văn Khu, kinh doanh dụng cụ nông nghiệp ở xã Khánh Khê (huyện Văn Quan), cũng nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là cán bộ Công an huyện Văn Quan, hướng dẫn liên hệ với lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) – Công an tỉnh để được “cấp chứng chỉ PCCC” cho cơ sở kinh doanh “không cần đi học, khi dịch bệnh ổn định sẽ bổ sung cập nhật kiến thức sau”. Đối tượng này còn đe dọa nếu không có đủ thủ tục giấy tờ theo quy định, sẽ bị xử phạt 15 triệu đồng vào đợt kiểm tra đầu tháng 7/2021.

Trong vai chủ cơ sở kinh doanh, gọi điện liên hệ trao đổi với vị “lãnh đạo” theo hướng dẫn, phóng viên nhận được lời hứa, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn đăng ký, gửi thông tin để làm hồ sơ, chứng chỉ với một khoản phí từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy thành phần hồ sơ. 

Để tạo lòng tin, vị “lãnh đạo” còn sử dụng hình ảnh cán bộ công an làm ảnh đại diện trên zalo cá nhân. Theo hướng dẫn của các đối tượng, chủ cơ sở sẽ thực hiện thanh toán bằng hình thức COD – thông qua nhân viên chuyển phát khi “hóa đơn” được gửi đến địa chỉ đăng ký ban đầu; sau đó cầm “hóa đơn” đến Công an huyện, thành phố để nhận giấy tờ.

Thủ đoạn lừa đảo này được thực hiện bởi 2 đối tượng. Đối tượng thứ nhất tự xưng là “cán bộ Công an huyện”, gọi điện thoại hướng dẫn người dân về công tác PCCC bằng lời nói nhẹ nhàng, thân mật, qua đó lợi dụng vào tâm lý lo ngại bị xử phạt và mong muốn chấp hành các quy định của người dân để thuyết phục, tạo sự tin tưởng. 

Sau khi lấy được lòng tin, đối tượng sẽ gửi cho người dân số điện thoại của “lãnh đạo PCCC” để được hướng dẫn, tạo điều kiện về thủ tục PCCC. Cả hai đối tượng này cùng có hành vi đe dọa về việc xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng, nếu không mua tài liệu hoặc không tham gia tập huấn.

Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn Giáo viên, học sinh sử dụng bình chữa cháy.Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn Giáo viên, học sinh sử dụng bình chữa cháy.

Được biết, sau khi có quy định mới của Chính phủ (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020) về phân cấp cho UBND cấp xã một số công tác quản lý nhà nước, quản lý cơ sở về PCCC… nhiều đối tượng đã tiếp cận quy định, đồng thời với thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa của cơ quan chức năng và đánh vào lòng tin và sự thiếu hiểu biết về PCCC của một số người dân để trục lợi. HIện nay các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Lạng Sơn cũng đang tăng cường các hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo.

Thượng tá Hoàng Hùng Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Lạng Sơn, khuyến cáo: Các hoạt động quản lý nhà nước về PCCC của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan đến tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật, có chương trình kế hoạch, thông báo bằng văn bản cụ thể, không thực hiện qua hình thức gọi điện thoại liên hệ.

“Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, Phòng đã xây dựng văn bản tham mưu cho Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn”, Thượng tá Hoàng Hùng Hải cho biết.

Post Comment