Sunday, 19 May 2024
blog

Cảnh giác với những cuộc gọi giả danh Công an để lừa đảo

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thường là: Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh hoặc giả danh số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện thông báo cho nạn nhân đang bị kiện, nợ ngân hàng, tranh chấp tài sản… và yêu cầu nạn nhân đến trình diện tại cơ quan Công an. Nếu nạn nhân “mắc bẫy”, các đối tượng sẽ thực hiện các thủ đoạn tiếp theo hòng chiếm đoạt tài sản.

Điển hình như ngày 20/6, chị Nguyễn Thanh Hương (phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0916097944 gọi đến từ một đối tượng tự xưng là Công an, thông báo chị Hương đang bị điều tra đến vụ việc khiếu nại mở tài khoản tại một ngân ở tận… thành phố Hồ Chí Minh.

Nghe người này đọc đúng tên, số căn cước công dân, địa chỉ của mình, chị Hương bất ngờ và lầm tưởng người này là Công an thật.

Đối tượng yêu cầu chị Hương đặt vé máy bay vào chi nhánh trong thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp điều tra. Nếu không vào được, chị Hương có thể đến trực tiếp phòng Cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội để giải quyết.

Bán tín bán nghi, chị Hương đề nghị người đầu dây bên kia cung cấp họ tên và mã thẻ ngành, ngay lập tức đối tượng không ngại công khai tên là Nguyễn Thế Dương, mã thẻ ngành 258372…

Sau khi gọi điện lên phòng Cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội để xác minh thông tin trên, chị Hương mới biết mình là nạn nhân của trò lừa đảo.

Cảnh giác với những cuộc gọi giả danh Công an để lừa đảo Cảnh giác với những cuộc gọi giả danh Công an để lừa đảo.

Không may mắn như chị Hương, chị N.T. L. (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo. Theo đó, ngày 26/4, chị L nhận được cuộc điện thoại của người lạ (số 88260009275) thông báo việc chị mở tài khoản tại một ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng và đang nợ số tiền gần 40 triệu đồng. Tuy phủ nhận việc mình vay nợ, nhưng khi người gọi xưng danh là cán bộ điều tra, yêu cầu phải phối hợp thì chị đã làm theo hướng dẫn, gửi ảnh chụp thẻ ngân hàng, chứng minh thư nhân dân, mã OTP… để rồi tài khoản ngân hàng bị “bốc hơi” 395 triệu đồng…

Gần đây nhất, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 1 tỷ đồng của người dân. Theo đó, ngày 11/6, bà P (sinh năm 1958, trú tại thị xã Sơn Tây) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, thông báo bà có lệnh bắt và yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau khi làm theo hướng dẫn, bà P phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng…

Chiêu trò giả danh Công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hình thức không mới, đã xuất hiện từ những năm trước đây, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ tin học như hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để thực hiện thủ đoạn một cách tinh vi hơn.

Nâng cao cảnh giác

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn mạo danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.

Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Cảnh giác với những cuộc gọi giả danh Công an để lừa đảo Khi có nghi vấn, người dân hãy báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc hoặc gọi điện đến Tổng đài 113; hotline 069.219.4053 để được giải quyết.

Đặc biệt, theo Trung tá Đoàn Tuấn Anh – Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, (Hà Nội) để tránh “sập bẫy” loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân.

Thêm vào đó, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời có kiến thức để tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, để tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

Ngoài ra, người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng, không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin cá nhân, khiến tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, để làm việc với công dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Khi có nghi vấn, người dân hãy báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc hoặc gọi điện đến Tổng đài 113; hotline 069.219.4053 để được giải quyết.

Từ góc độ pháp lí, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi nên ngay cả khi có sự can thiệp của cơ quan Công an, việc giải quyết cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, người dân cần tự cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo.

Theo luật sư Phạm Hải Long việc triệu tập người có liên quan lên cơ quan Công an làm việc sẽ được thực hiện qua Giấy triệu tập có đóng dấu, xác nhận của Công an. Đồng thời, theo Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11), nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời.

Do vậy, việc Công an triệu tập qua tin nhắn, qua việc gọi điện thoại hoặc thông qua người khác đều là trái với quy định của pháp luật.

Post Comment