Monday, 20 May 2024
blog

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng chiêu “thực hiện nhiệm vụ” trên App

Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn về tài chính nên các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu thức lừa đảo qua App để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân trên địa bàn tỉnh.

Kể lại với chúng tôi về vụ bị lừa, bà N.T.M.N, ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), vẫn chưa hết bức xúc: Ngày 1-8-2021, qua quảng cáo kiếm tiền trên mạng Internet, bà N. tiếp xúc với tài khoản Zalo có tên “Ngọc Ánh”. Quá trình trao đổi, tài khoản “Ngọc Ánh” giới thiệu ứng dụng trên điện thoại trên Zalo có thể kiếm tiền bằng cách thực hiện các nhiệm vụ lên đơn hàng cho khách (bà N. xác định đây là đơn hàng không có thật).

Điều kiện tham gia là phải nạp tiền theo gói nhiệm vụ, lợi nhuận hưởng theo tỷ lệ số tiền đã nộp. Để bà N. tin tưởng, đối tượng này đã gửi những hình ảnh nhận tiền của những người tham gia và trả hoa hồng cao cho lần nạp tiền đầu tiên và các lần thứ 2, 3 kế tiếp. Bà N. đã cài đặt ứng dụng từ đường link Website có địa chỉ https://18.136.1199.77:8888. Từ ngày 1 đến ngày 4-8-2021, tổng số tiền bà N. chuyển cho các đối tượng là 620 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng nhiều lần yêu cầu bà N. nộp thêm tiền để thực hiện các nhiệm vụ, do nghi ngờ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bà N. đã ngừng liên lạc với các đối tượng và làm đơn trình báo với Công an.

Lợi dụng tâm lý hám lợi của nhiều người, các đối tượng tung ra chiêu trò kích thích người tham gia với số tiền lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với số tiền bỏ ra. Khi nạp tiền 1 đến 2 lần thấy lợi nhuận chuyển vào tài khoản nhiều, người chơi tiếp tục nạp vào số tiền lớn để hưởng lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, khi số tiền nạp ngày càng nhiều hơn để thực hiện các nhiệm vụ ở cấp cao hơn, người tham gia sẽ không rút được tiền về tài khoản. Lúc này, App yêu cầu người tham gia nộp thêm tiền vào thì mới rút được tiền về tài khoản, nhưng càng nộp tiền thì nạn nhân càng bị mất thêm tiền.

Đến thời điểm hiện tại, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã tiếp nhận đơn của 4 nạn nhân với số tiền mất của mỗi người từ 500 triệu đồng trở lên. Với số thiệt hại dưới 500 triệu đồng, thẩm quyền tiếp nhận giải quyết thuộc công an cấp huyện. Qua làm việc với các trinh sát, chúng tôi nắm bắt có khá nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, thậm chí có cả những công chức, viên chức, nhất là những người ở nhà nội trợ thường bị lừa đảo bằng hình thức này.

Theo Trung úy Đỗ Trung Hiếu, điều tra viên, Đội Phòng ngừa đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh): Thông qua dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Zalo, các hội nhóm kiếm tiền trên mạng, nhóm các đối tượng người nước ngoài câu kết với người bản địa để lập các website ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Lợi dụng việc quản lý còn nhiều lỏng lẻo về thông tin cá nhân, tài khoản Facebook, Zalo, chúng thu thập thông tin để gửi các lời mời tham gia. Bản chất của những mô hình này là không có hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, mà hoạt động theo kiểu đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước, khi chúng đã thu được nhiều tiền sẽ cho sập App.

Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân khi sử dụng điện thoại thông minh không tham gia vào các App mời gọi quảng cáo, giới thiệu các sàn giao dịch thương mại điện tử với mục đích đầu tư không rõ nguồn gốc, độ xác thực.

Post Comment