Friday, 29 Mar 2024
blog

Cổ phiếu ngân hàng: Ngóng chờ động lực từ room tín dụng

(TBTCO) –

Dù đã có sự phục hồi theo xu thế chung của thị trường chứng khoán thời gian qua, nhưng phần lớn các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa lấy lại được vị thế “cổ phiếu vua” mang tính dẫn dắt thị trường. Động lực lớn nhất cho nhóm cổ phiếu này là thông tin về nới room tín dụng. Mặc dù vậy, điều này cũng cần có sự quan sát bởi tác động tích cực sẽ không đồng đều, thậm chí sẽ là “tin không vui” đối với một số mã “bank” khi không được cấp thêm “quota”.

Tăng trưởng tín dụng là động lực nhưng vẫn là ẩn số cuối cùng

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng đạt 31% trong quý I/2022, tăng trở lại từ mức 7% trong quý IV/2021 và 12% trong quý III/2021. Đà tăng được kéo dài sang quý II/2022 với 36%, mang lại mức tăng trưởng 33% cho 6 tháng đầu năm. Tăng trưởng tín dụng vẫn là cấu phần tăng trưởng lớn trong khi cắt giảm chi phí tín dụng biên trở thành động lực mới ở một số ngân hàng.

“Yếu tố tăng trưởng chính là khác nhau giữa các ngân hàng nhưng tăng trưởng tín dụng theo năm vẫn là động lực quan trọng với mức đóng góp bình quân vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất (13%)” – chuyên gia của VDSC cho hay.

Nới room tín dụng sẽ tạo động lực cho cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: Duy Dũng Nới room tín dụng sẽ tạo động lực cho cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: Duy Dũng

Còn theo các chuyên gia của SSI Research, tăng trưởng tín dụng và huy động đang có sự chênh lệch lớn. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022 ở mức tăng 9,4% so với đầu năm (tăng 17% so với cùng kỳ). Sự tăng trưởng này được giải thích bởi một loạt các yếu tố như nhu cầu tín dụng phục hồi và việc phản ánh mức độ tăng của giá hàng hóa. Trong khi đó, tăng trưởng huy động chỉ ở mức 4,5% so với đầu năm.

Tuy nhiên theo các chuyên gia của VDSC, tín dụng đang là động lực tăng trưởng của các ngân hàng tư nhân, song động lực này hiện đang tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh và là ẩn số khi định hướng chính sách chưa cụ thể.

“Dù Ngân hàng Nhà nước cam kết tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 14% nhưng vẫn chưa chắc chắn về quy mô, tần suất, thời điểm cấp hạn mức và phân bổ giữa các ngân hàng. Do đó, việc thay đổi chính sách tín dụng có thể dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không lệch nhiều, lấy đi lợi thế tăng trưởng của một số ngân hàng tư nhân” – chuyên gia của VDSC cho hay.

Cũng theo các chuyên gia, việc cấp thêm hạn mức tín dụng sẽ tạo động lực cho các ngân hàng tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, dư địa được cấp chắc chắn sẽ không giống nhau. Sự phân hóa về kết quả kinh doanh có thể còn lớn hơn khi vấn đề nới room tín dụng được áp dụng chính thức. Các ngân hàng đã tăng trưởng mạnh tín dụng hoặc không đảm bảo các tiêu chí để nới room có thể sẽ bị giảm động lực tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.

Vẫn có những yếu tố tích cực để kỳ vọng

Theo các chuyên gia của VDSC, mặc dù có những yếu tố bất định, nhưng ngành Ngân hàng vẫn có những yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định. Theo đó, việc hạn chế trong tăng trưởng tín dụng đồng thời đặt ra yêu cầu quản lý chi phí rủi ro mang lại sự chắc chắn hơn. Bên cạnh đó, tìm kiếm tăng trưởng trong một môi trường chi phí cao hơn với những ràng buộc có thể thúc đẩy việc hướng đến chất lượng. Các ngân hàng sẽ phải cân bằng giữa tăng trưởng và hiệu quả tổng thể.

Cùng với đó, nợ xấu cũng là một yếu tố có thể là nỗi lo đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, theo chuyên gia của VDSC, tỷ lệ nợ xấu hình thành được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm và năm 2023, nhưng không đổi so với mức trước Covid-19, với nguyên nhân là nợ cơ cấu và sự bình thường hóa ở việc chuyển nhóm nợ xấu. Dư địa và khả năng tiếp tục giảm chi phí rủi ro tín dụng sẽ phân hóa.

Các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế nhờ bộ đệm dự phòng

Đối với vấn đề nợ xấu, các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn có lợi thế hơn nhờ bộ đệm dự phòng. Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng sự suy giảm tương đối của nợ cơ cấu, gây áp lực lên hình thành nợ xấu và xóa nợ. Tỷ lệ bao phủ có thể giảm ở các ngân hàng quốc doanh do dư nợ các doanh nghiệp lớn nhưng sức khỏe của bảng cân đối sẽ không bị ảnh hưởng tổng thể.

Còn theo chuyên gia của SSI Research, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể vẫn được kiểm soát trong những tháng cuối năm 2022, mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu. Các ngân hàng lớn đã chuẩn bị cho tình huống này với bộ đệm rủi ro tín dụng tương đối vững chắc.

Bên cạnh đó, chuyên gia của VDSC còn cho rằng, thu nhập ngoài lãi cũng sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ từ đóng góp của các công ty con cũng như tăng trưởng bền vững của mảng bancassurance và tài trợ thương mại. Hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ có những tác động trái chiều do độ nhạy khác nhau, biên lãi ròng (NIM) sẽ được hỗ trợ bởi nền so sánh, thúc đẩy động lượng thu nhập lãi thuần. Theo VDSC, do cải thiện chi phí rủi ro, ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ) các ngân hàng sẽ tăng trong năm 2022.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc nới room tín dụng chỉ là còn là vấn đề thời gian, bởi Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ áp dụng sớm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ có tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và trên thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại gần đây.

Bên cạnh đó sau thời gian điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng đã giảm khá mạnh và chưa lấy lại được vị thế “cổ phiếu vua” của mình. Do đó, nhiều nhà đầu tư sẽ đặt kỳ vọng lớn cho nhóm cổ phiếu này vào giai đoạn cuối năm. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực cũng sẽ là yếu tố nền tảng cho dòng cổ phiếu ngân hàng, bởi nhu cầu tín dụng chắc chắn sẽ còn tăng lên, nhất là yếu tố mùa vụ cuối năm sắp tới.

Post Comment