Thursday, 2 May 2024
blog

Combo du lịch giá hời rầm rộ chợ mạng, nhiều khách sập bẫy lừa đảo

Combo giá rẻ tràn lan chợ mạng, khách sơ sẩy mất ngay vài chỉ vàng

Thời điểm du lịch Việt Nam mở cửa sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, lượng người “đổ xô” xuất ngoại lẫn khám phá các tỉnh thành nội địa tăng cao.

Lợi dụng tâm lý du lịch để giảm “cuồng chân”, “trả thù” dịch bệnh, nhiều đối tượng “tung” loạt combo vé máy bay và khách sạn giá rẻ nhằm “móc túi” khách hàng bằng các chiêu thức tinh vi.

Chị L.T.H (35 tuổi, ở Hà Nội) cùng chồng lên kế hoạch dành tặng con trai một chuyến nghỉ hè đáng nhớ ở Phú Quốc vào đầu tháng 6. Thay vì chọn đi theo tour, chị H. quyết định mua combo du lịch giá rẻ để có thể chủ động lịch trình ăn chơi, khám phá mà vẫn tiết kiệm được một khoản chi phí vài triệu đồng cho cả gia đình.

Combo du lịch giá hời rầm rộ chợ mạng, nhiều khách sập bẫy lừa đảo - 1

Các combo du lịch giá rẻ được rao bán tràn lan trên chợ mạng (Ảnh chụp màn hình).

Chị mua combo du lịch Phú Quốc 4 ngày 3 đêm từ một đại lý trên mạng với giá 2,5 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, 3 đêm nghỉ ở khách sạn 3 sao gần trung tâm thị trấn Đông Dương và 3 bữa sáng phục vụ theo hình thức buffet. Vì đây là lần thứ 2 “săn” combo giá rẻ trên diễn đàn mạng nên bà mẹ một con khá chủ quan. 

“Tôi được người bán tư vấn chi tiết rằng combo này có giờ bay khá sớm, phòng view hồ bơi thay vì nhìn ra biển nên giá rẻ hơn. Nếu muốn dịch vụ tiện nghi hơn, tôi có thể thêm chi phí để đổi giờ bay và nâng cấp hạng phòng. Tuy nhiên, tôi thấy thông tin chuyến bay và chỗ nghỉ cũng phù hợp với nhu cầu của gia đình nên không suy nghĩ nhiều mà chốt luôn”, chị H. nói.

Người phụ nữ này cho biết thêm, khi kiểm tra trang cá nhân Facebook và Zalo người bán thấy có nhiều khách chia sẻ ảnh đi du lịch, chuyển khoản rồi bình luận dưới bài đăng đều khen uy tín nên chị đặt mua. Người bán cũng gửi ảnh thư điện tử đặt vé với hãng hàng không có tên chị nên đã thanh toán toàn bộ tiền combo cho cả nhà. 

Tuy nhiên, sau vài ngày thanh toán, chị nhắn tin hỏi người bán thông tin đặt vé và phòng để chuẩn bị lên đường thì không nhận được phản hồi. Liên hệ qua điện thoại và facebook nhiều lần bất thành, chị nhờ người quen kiểm tra hộ mới biết bị lừa. Tìm kiếm trên mạng, chị cũng phát hiện có nhiều khách hàng từng là nạn nhân của đối tượng này.

“Tôi không biết rằng mã đặt chỗ trên hệ thống khi không thanh toán sẽ bị hủy và những người bình luận trên Facebook cũng đều là tài khoản ảo nên chủ quan đặt mua rồi còn thanh toán tiền. Nhưng vì đã hứa với con nên tôi đành nhờ bạn đặt lại vé máy bay và phòng nghỉ gấp với chi phí đắt gấp vài lần do sát ngày”, người mẹ trẻ ngậm ngùi.

Combo du lịch giá hời rầm rộ chợ mạng, nhiều khách sập bẫy lừa đảo - 2

Du khách bị lừa tiền sau khi mua combo du lịch giá rẻ từ các tài khoản facebook ảo trên mạng (Ảnh chụp màn hình)

Cùng cảnh ngộ với chị H., anh L.V.T (ở Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của các chiêu trò combo du lịch giá rẻ. Theo thói quen, anh truy cập vào một diễn đàn mạng chuyên thanh lý, trao đổi voucher, combo du lịch. Khi anh đăng thông tin, vài người đã trực tiếp liên hệ với anh để quảng cáo các gói combo hấp dẫn.

“Một người nhiệt tình giới thiệu cho tôi combo du lịch Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm chỉ 3 triệu đồng/khách, bao gồm vé máy bay khứ hồi Hà Nội-Đà Nẵng, 2 đêm nghỉ hạng phòng superior tại khách sạn 4 sao ngay mặt biển Mỹ Khê, miễn phí nâng hạng phòng lên Deluxe.

Ngoài ra, combo còn gồm 2 bữa sáng buffet tại khách sạn, thức uống mừng khách đến nhận phòng và nước uống hàng ngày. Chi phí này áp dụng từ 2 khách trở lên, vào tất cả các ngày trong tuần tháng 6″, anh T. kể.

Để tạo sự yên tâm cho khách, người bán còn gửi cho anh T. ảnh chụp hai mặt căn cước công dân, thẻ nhân viên và số điện thoại làm tin. Thấy tin tưởng, chàng trai trẻ đồng ý đặt mua 3 combo cho mình và hai người bạn thân.

Sau khi xác nhận với hãng hàng không và bên khách sạn, anh T. đã chuyển 9 triệu đồng cho người này vào số tài khoản có tên giống với thông tin trên chứng minh thư. Tuy nhiên, một ngày sau khi chuyển tiền, anh vẫn chưa nhận được thông báo xác nhận từ hãng bay.

Khi gọi hỏi lại, anh được hãng thông báo mã vé bị hủy do không thanh toán trong 24 giờ. Thậm chí, liên hệ với phía khách sạn, anh cũng nhận được câu trả lời xác nhận có phòng được đặt đúng như mã vé nhưng chưa rõ đã thanh toán chưa.

Nghi ngờ bản thân bị lừa, anh T. vẫn cố giữ bình tĩnh, nhắn tin lại cho người bán để yêu cầu xem ảnh chụp các khoản thanh toán với hãng hàng không, khách sạn. Sau khoảng 2 giờ, anh nhận được những hình ảnh hóa đơn thanh toán đầy đủ nhưng thực tế, loạt hình này đã bị kẻ gian chỉnh sửa nhằm qua mắt khách hàng.

“Biết tôi đã phát hiện ra việc lừa đảo, đối tượng này lập tức chặn liên lạc khiến tôi không thể gọi điện hay nhắn tin được nữa. Sau đó, tôi kiểm tra lại thì nhận ra giấy tờ căn cước và ảnh thẻ của người này cũng là giả mạo.

Chúng mạo danh, dùng ảnh của người khác để rao bán các combo du lịch giá rẻ, đánh lừa những khách nhẹ dạ cả tin như tôi”, anh T. bức xúc.

Chia sẻ với Dân trí, du khách này cho biết, sau đó anh đã phải tự bỏ tiền riêng để mua vé máy bay, phòng khách sạn sát ngày, đảm bảo chuyến du lịch của cả nhóm diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch. 

“Bóc” loạt chiêu trò combo giá rẻ “móc túi” khách hàng

Theo ông Nguyễn Trung Đức – Founder Vietrip Travel cho biết, sau khi du lịch mở cửa hậu Covid-19, nhiều người nhanh chóng lên kế hoạch đi khám phá, nghỉ dưỡng để giảm cảm giác “cuồng chân”. Đây là thời điểm các đối tượng lừa đảo hoạt động tràn lan, sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để “móc túi” du khách. 

Ông Đức nhấn mạnh, du khách cũng cần cẩn trọng khi đặt mua combo du lịch trước những dịp cao điểm mùa hè, khi mà vé máy bay và các dịch vụ khách sạn khan hiếm hoặc giai đoạn cầu vượt cung, bản thân không thể tự đặt được dịch vụ và phụ thuộc vào bên thứ ba. Bởi lúc này, kẻ gian nắm được tâm lý muốn đi du lịch bằng mọi cách của du khách nên chúng có thể dễ dàng mời gọi và lừa đảo khách đặt mua combo.

Đại diện Vietrip Travel cho hay, một trong những thủ đoạn mà kẻ gian thực hiện để lừa đảo du khách nhiều nhất hiện nay là đưa ra các combo có giá siêu rẻ nhưng dịch vụ đi kèm lại rất “khủng”.

“Những đối tượng này dùng chiêu trò đánh vào lòng tham giá rẻ khiến không ít người bị mất lượng lớn tiền. Thậm chí, nhiều du khách nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng chỉ cần kiểm tra giấy phép hoạt động hoặc thông tin cá nhân của người bán là có thể yên tâm.

Combo du lịch giá hời rầm rộ chợ mạng, nhiều khách sập bẫy lừa đảo - 3

Một đối tượng sử dụng chiêu thức là giả mạo chứng minh thư của người khác và tự nhận là nhân viên của hãng uy tín để lừa khách mua combo du lịch giá rẻ (Ảnh: M.T.N).

Tuy nhiên, hiện nay, việc thành lập một công ty để có con dấu khá nhanh và đơn giản nên nhiều người cứ nghĩ ký hợp đồng hoặc thấy trên combo có dấu mộc đỏ là chắc chắn. Nhưng bạn phải lưu ý, vé của hãng hàng không hay khách sạn nào thì phải là con dấu của đơn vị đó chứ không phải do bên bán tự thiết kế rồi đóng dấu công ty du lịch”, ông Đức cho hay.

Ngoài chiêu trò trên, những đối tượng này còn sử dụng nhiều hình thức lừa đảo dưới danh nghĩa như combo giá rẻ, thanh lý voucher hay gần đây nhất là gói vé máy bay 10 vé/năm với giá siêu rẻ. Thậm chí, kẻ gian sẵn sàng mạo danh các hãng lữ hành lớn để tạo niềm tin với khách. 

Không chỉ hoạt động riêng lẻ, có những đối tượng còn thành lập cả công ty, tổ chức tour cho các đoàn khách với giá rất rẻ để tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên fanpage Facebook. Khi gây dựng được hình ảnh một công ty uy tín trên mạng xã hội, họ sẽ lừa đảo khách hàng bằng các thủ đoạn, chiêu thức tinh vi. 

Combo du lịch giá hời rầm rộ chợ mạng, nhiều khách sập bẫy lừa đảo - 4

Một số khách may mắn hơn khi mua các combo giá “siêu rẻ”, “không lợi nhuận” mà vẫn được đi du lịch. Tuy nhiên, họ nhận về những trải nghiệm tệ như phòng nghỉ xuống cấp, ăn uống sơ sài, không đủ no hay phát sinh các khoản chi phí khác,… (Ảnh: T.T).

Bà Nguyễn Minh Thúy – Founder của Be.9 Travel cho biết, tất cả các thủ đoạn lừa đảo đều đánh vào tâm lý tham rẻ của khách hàng. Chiêu trò phổ biến nhất của các đối tượng này là làm giả giấy tờ thanh toán hoặc mạo danh những đơn vị uy tín.

Ngoài ra còn có thủ đoạn lừa khách mua vé rẻ hơn thị trường khoảng 1-1,5 triệu đồng nhưng vẫn bay được vì đối tượng đăng ký mua vé máy bay trả góp. Khách hàng sau khi sử dụng vé một thời gian sẽ bị đòi tiền từ các ứng dụng du lịch trả góp.

“Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý ham rẻ của chủ đại lý (chủ yếu là mới vào nghề) và khách hàng thiếu kinh nghiệm. Ai cũng muốn mua được giá rẻ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, các dịch vụ du lịch đều có một mức giá mặt bằng chung giữa các đại lý hay công ty lữ hành, nếu có chênh lệch cũng không đáng kể”, bà Thúy cho biết.

Theo bà Thúy, khách của đơn vị này thường bị các đối tượng lừa đảo nhận là nhân viên làm việc tại hệ thống Vinpearl nên có combo du lịch giá rẻ khoảng một nửa so với giá thị trường. Sau khi tạo được niềm tin với khách, họ yêu cầu thanh toán, chuyển khoản cọc. Khách chuyển xong thì đối tượng đó lập tức chặn liên lạc với khách. 

Người phụ nữ 6 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhận xét, thủ đoạn làm giả giấy tờ cũng phổ biến và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật hay trình độ công nghệ cao siêu. Đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng kiếm được các hóa đơn thanh toán bản mềm (tìm trên mạng hoặc tự đặt) rồi chỉnh sửa lại thông tin để gửi cho khách.

Kể cả khi khách nghi ngờ, cẩn thận đặt nhiều câu hỏi, các đối tượng trên vẫn có thể giải thích được và xoa dịu sự nghi ngờ bằng nhiều lý do rất thuyết phục. 

Cách tránh “bẫy” khi mua combo du lịch giá rẻ

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc của We Travel nhận định, những du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng hoặc từng có kinh nghiệm du lịch thường có xu hướng mua combo. Đây là sự kết hợp của hai hay nhiều dịch vụ du lịch, phổ biến nhất là vận chuyển (vé máy bay) và lưu trú (khách sạn, resort). Giá của combo cũng thấp hơn tour vì dịch vụ hạn chế.

Theo ông Việt, combo du lịch giá rẻ không đồng nghĩa với lừa đảo. Tuy nhiên, khách hàng dễ bị người bán “bẫy” bằng những thông tin mập mờ. 

“Nhiều năm gần đây, combo du lịch đã trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của các đơn vị lữ hành vì tính hiệu quả cao, lại giúp du khách tiết kiệm công sức, thời gian và lựa chọn được lịch trình di chuyển hợp lý. Tuy nhiên, combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm khác, có loại tốt, có loại không tốt nên khách hàng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn”, ông Việt chia sẻ. 

Combo du lịch giá hời rầm rộ chợ mạng, nhiều khách sập bẫy lừa đảo - 5

Nhiều điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang,… thường trở thành “con mồi” để các đối tượng lừa đảo khách hàng mua combo du lịch giá rẻ (Ảnh: Trương Phú Quốc).

Đại diện We Travel nhấn mạnh, để đảm bảo có chuyến đi chất lượng, khách hàng nên lựa chọn sử dụng dịch vụ của các đơn vị uy tín hoặc ưu tiên mua từ bạn bè, người quen.

Nếu mua lần đầu, khách cần kiểm tra kỹ tài khoản mạng xã hội của cá nhân, đơn vị đó xem có tương tác thật hay thông tin thật, đáng tin cậy không. Cách khác, có thể đăng bài xác thực độ uy tín của người bán trên các hội nhóm, diễn đàn du lịch trước khi đặt dịch vụ.

Khách hàng không nên tham rẻ. Nếu thấy combo dịch vụ có giá rẻ bất thường so với mặt bằng chung, hãy cẩn thận kiểm tra kỹ và đừng vội vàng đặt mua. Bên cạnh đó, khách hàng cần hiểu rõ, combo chỉ là một nhóm dịch vụ chứ không phải tất cả dịch vụ trọn gói cho chuyến đi như tour.

Vì vậy, họ cần tìm hiểu kỹ xem combo đó bao gồm những dịch vụ gì, ở mức độ chất lượng nào (khách sạn mấy sao, hạng tiêu chuẩn hay sang trọng), số lượng/thời gian sử dụng dịch vụ combo (lưu trú mấy ngày đêm, vé một chiều hay khứ hồi),…

“Để làm giả thông tin combo du lịch, nhất là vé máy bay, du khách cần kiểm tra kỹ số hiệu chuyến bay. Mỗi số hiệu chuyến bay thường ứng với hành trình nhất định, không chuyến nào giống chuyến nào. Tuy nhiên, thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo rất tinh vi, không dễ phát hiện ra”, người đàn ông 8 năm làm ngành du lịch nói.

Cuối cùng, vị CEO nhấn mạnh, không chỉ combo mà với bất cứ loại hình dịch vụ nào cũng vậy, nếu gặp người bán không chính thống, có ý định lừa đảo thì khách hàng rất dễ dính bẫy. Vì vậy, mọi người phải luôn cẩn trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi giao dịch, mua bán. 

Post Comment