Sunday, 19 May 2024
blog

Công an có truy ra được bọn giả danh công an để lừa đảo hay không?

Lê Thanh Phong

  –  

Thứ tư, 24/08/2022 14:45 (GMT+7)

Sau khi nhận cuộc điện thoại của kẻ mạo danh cơ quan công an, một người phụ nữ ở Hà Nội bị chiếm đoạt 2 tỉ đồng.

Công an có truy ra được bọn giả danh công an để lừa đảo hay không?
Một nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan công an trình báo. Ảnh: CAHN

Thủ đoạn lừa đảo quá cũ, báo chí đã đăng nhiều vụ, cảnh báo rộng rãi trong cộng đồng, nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục bị mắc bẫy.

Ngày 18.8, Công an phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội, tiếp nhận đơn trình báo của bà Q (57 tuổi) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an, thông báo bà Q có liên quan đến một vụ án và yêu cầu bà chuyển tiền 2 tỉ đồng vào tài khoản của đối tượng cung cấp để phục vụ điều tra. Sau khi chuyển xong, bà Q biết bị lừa nên đã trình báo công an.

Ngày 23.8, Công an huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đang điều tra, làm rõ đơn trình báo của một phụ nữ về việc bị một “điều tra viên” lừa đảo chiếm đoạt 200 triệu đồng.

Những vụ lừa đảo tương tự đang và tiếp tục xảy ra. Báo chí đưa nhiều tin để tuyên truyền cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Bọn tội phạm này chiếm đoạt đồng tiền xương máu của người khác quá dễ dàng: Chỉ gọi điện thoại giả danh công an, viện kiểm sát, dọa nạt và dụ dỗ chuyển tiền vào tài khoản.

Đương nhiên, người chịu trách nhiệm trước hết chính là các nạn nhân. 

Thử hỏi, một người không quen biết, không biết họ là ai, chỉ tự xưng công an qua điện thoại, mà dám chuyển cho họ tiền tỉ, thì không thể trách ai khác bằng tự trách mình.

Thử hỏi, con cái, cháu chắt ruột thịt trong nhà hỏi cha mẹ hay ông bà chuyển cho vài tỉ đồng thì có chuyển ngay như vậy không?

Các nạn nhân đã trả giá cho sự cả tin, về sự thiếu hiểu biết  pháp luật. Họ dính bẫy lừa đảo, mất tiền và tạo đất sống cho bọn tội phạm. Nếu ai cũng khôn ngoan, hiểu biết pháp luật, thì bọn lừa đảo này không có cơ hội để lừa được một cắc.

Đó là thực tế của những chuyện nhẹ dạ cả tin.

Nhưng đối với chính quyền, việc dẹp các băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân là trách nhiệm không thể thoái thác. Địa phương nào có các tổ chức tội phạm hoạt động, gây ra các vụ lừa đảo, thì chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê hoành hành, thêm các băng nhóm giả danh công an hù dọa, lừa đảo, xã hội rất bất ổn, người dân hoang mang lo lắng.

Công an cần vào cuộc, điều tra truy bắt những băng nhóm giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản của dân về trị tội.

Đưa các vụ án này ra xét xử lưu động, để người dân hiểu và tránh được các thủ đoạn lừa đảo tương tự.

Post Comment