Friday, 19 Apr 2024
blog

Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ bị tố lừa dối khách hàng

(NTD) – “Cảm giác bị bên bán và sàn giao dịch thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo) cấu kết lừa gạt là một cảm giác thật khó chịu, bức xúc nên tôi phải nhờ quý báo đưa vấn đề này ra với công chúng để Sendo cũng như shop bán hàng phải tôn trọng khách hàng hơn nữa trong tương lai”. Đó là tâm sự mà anh Nguyễn Văn Hào ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nói về việc đặt mua hàng trên mạng thông qua Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ nhưng khi nhận hàng lại bị thiếu sản phẩm.

Bức xúc vì Sendo không bảo vệ quyền lợi khách hàng

Cụ thể, thông tin tới báo Người tiêu dùng, anh Hào cho biết, anh có mua một sản phẩm tên là Lọc Xì DBX 231S- HF3387 của một shop có tên là Kho máy Anh Đông thông qua trang thương mại điện tử Sendo. Sản phẩm được giao ngày 20/12, mã đơn hàng: #14664141467, đặt hàng ngày 16/12/2019. Đặc biệt, theo thông tin shop đăng tải là có tặng khách hàng 1 đôi giắc canon xịn kèm theo sản phẩm.

3d70cd0a15ffeda1b4ee Thông tin sản phẩm mà anh Hào mua từ shop Kho máy Anh Đông, qua trang thương mại điện tử Sendo.vn

Tuy nhiên, khi anh Hào nhận sản phẩm không thấy hàng tặng nên anh liên hệ lại với shop để yêu cầu được bổ sung sản phẩm cho đủ theo như lời quảng cáo, giới thiệu bán hàng của cơ sở nhưng shop từ chối, khất lần, không thực hiện nội dung tặng kèm đó.

ll Trung tâm chăm sóc khách hàng của Sendo từ chối quyền lợi của khách hàng

Anh Hào lý giải: “Tôi liên hệ tới Sendo để mong nhận được hỗ trợ nhưng đến năm lần, bảy lượt chỉ nhận được email và điện thoại của Sendo với nội dung thuyết phục rằng khách hàng bỏ khiếu nại để làm theo ý của shop. Tôi không đồng ý và đề nghị Sendo tôn trọng ý kiến của khách hàng vì tôi chọn công cụ khiếu nại do chính Sendo tạo ra là gửi sản phẩm bổ sung nhưng câu trả lời lặp lại mà tôi nhận được từ Sendo là không thể hỗ trợ yêu cầu này và xin đóng khiếu nại đơn hàng”.

1e2f2eaafd5f05015c4e

Những phản ánh của anh Hào về việc thiếu hàng và yêu cầu hỗ trợ từ shop và Sendo nhưng kết quả nhận được chỉ là nội dung email và các cuộc gọi thuyết phục

Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu chợ Sen Đỏ. Công Ty này có trụ sở chính ở số 153 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, giấy phép kinh doanh số 0312776486; Văn phòng đại diện ở tầng 14, tòa nhà Oriental, số 324 Tây Sơn, Phường Ngã Tư Sở, Quận Đống đa, TP. Hà Nội, mã số thuế 0312776486-002.

Theo phản ánh của người mua hàng thì Sendo đã không thực hiện đúng những gì có thể để bảo vệ khách hàng, chỉ luôn theo một bên bán rồi dẫn dụ khách hàng chiều theo ý họ. Điều này, đặt ra nghi vấn, phải chăng ở đây là sự móc nối giữa Sendo và shop bán để lừa dối khách hàng, sự dung túng thiên vị bên bán mà quên đi quyền lợi bên mua?

Hiện nay hoạt động thương mại điện tử đang phát sinh nhiều hành vi gian lận, rủi ro khiến người tiêu dùng lo ngại. Chỉ cần một cái nhấn chuột, không khó để tìm thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm hàng hiệu với giá rẻ đến bất ngờ nhưng chất lượng sản phẩm thì không biết thực hư như nào.

Sendo dính nhiều tai tiếng về hàng giả, hàng nhái

Siêu chợ Sen Đỏ khá thuận lợi cho khách hàng lựa chọn sản phẩm nhưng trang này trước đó cũng dính không ít những tai tiếng về bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã được báo chí phản ánh.

956ddbbed822207c7933 Sendo là nơi giao lưu gặp gỡ trực tuyến giữa người bán và người mua với hàng trăm mức giá khác nhau

Sendo rao bán rất nhiều mặt hàng, từ đồng hồ, giầy dép, thời trang, công nghệ, đồ gia đình, đến đồ dùng trẻ em… Rất dễ nhận biết các sản phẩm hàng nhái được bày bán ở đây vì mức giá của chúng rẻ hơn nhiều lần so với hàng thật.

Trước đó, vào năm 2017, anh H., một khách hàng ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đặt mua kính chống chói ô tô mã ĐQ276 trị giá 373 nghìn đồng nhưng khi giao hàng, Sendo.vn cho nhân viên giao một loại kính hoàn toàn khác, không đúng mẫu mã, giá rẻ hơn, chỉ 200 nghìn đồng. Khi khách hàng phản ánh, Sendo.vn thoái thác trách nhiệm.

Trong năm 2018, ông T.V.H. ở Tuyên Quang đặt mua 1 đồng hồ cơ automatic rồng vàng nổi 3d – skt79, mã hàng 14253819316, trên trang Sendo.vn với giá 560.000 đồng. Đến ngày 21/8/2018, ông nhận được hàng.

Tuy nhiên, đồng hồ sử dụng được mấy ngày thì bất ngờ bị chết máy. Ông T.V.H. gọi điện phản ánh, ban đầu shop bảo gửi lại đồng hồ để họ xử lý nhưng sau đó họ chối bỏ trách nhiệm. Khi liên hệ với Sendo (số tổng đài 19006000), được Sendo yêu cầu gửi, trả lại đồng hồ. Theo ông H. Sendo không chỉ có dấu hiệu bán hành kém chất lượng mà còn có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Đến một thời gian dài, ông H. mới nhận lại được tiền hoàn từ Sendo.

Năm 2019, chị N.Y ở quận Ba Đình (Hà Nội), đặt mua 4 chiếc cốc nguyệt san trên hệ thống Shopee. Khi chị Y. đặt hàng, kẻ gian đã lấy thông tin đó, và tiến hành tạo đơn đặt hàng giả mạo trên hệ thống Sendo đối với gian hàng chúng tạo sẵn, để Sendo giao lô 4 chiếc cốc nguyệt san rẻ tiền cho khách, với giá 1,8 triệu đồng. Trong khi đó, chị Y. không hề có tài khoản trên Sendo, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua nền tảng này. Về vụ việc này, phía Sendo đã thừa nhận sai sót, hoàn trả số tiền 1,8 triệu đồng cho chị Y., sau khi người phụ nữ này gửi trả hàng theo yêu cầu, song thông tin về kẻ lừa đảo đứng sau chiếc bẫy này vẫn đang là ẩn số.

Cảnh giác với hành vi gian lận

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và hoạt động thương mại điện tử, đang phát sinh nhiều hành vi gian lận. Việc không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận khiến khách hàng gặp nhiều rủi ro.

Từ sự việc trên, ngoài tâm trạng bức xúc khi chính bản thân mình gặp phải, anh Hào cũng gửi lời cảnh tỉnh tới mọi người, cần chú ý khi mua hàng qua các trang thương mại điện tử, “cảm giác bị bên bán và sàn giao dịch thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo) cấu kết lừa gạt là một cảm giác thật khó chịu, bức xúc nên tôi phải nhờ quý báo đưa vấn đề này ra với công chúng để Sendo cũng như shop bán hàng phải tôn trọng khách hàng hơn nữa trong tương lai. Nhờ quý báo theo thẩm quyền lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng trong cả nước để tránh tình trạng bị lợi dụng của các trang thương mại điện tử làm ăn không đàng hoàng như Sendo”, anh Hào khẳng định.

Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại tập trung vào các vấn đề như: Giao sai sản phẩm hoặc sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, thông tin sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác hay nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ, hàng Nhật, không cung cấp hóa đơn…

Theo ý kiến của một lãnh đạo ở Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, hiện nay, hầu hết các hành vi vi phạm do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch điện tử. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm. Chủ yếu các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể, chính vì vậy, công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn.

Người tiêu dùng, trước khi quyết định mua sản phẩm nào đó cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… Ngoài ra, cần tìm hiểu  kỹ về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá của người dùng trước đó nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng. 

Trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương để được giúp đỡ.

Hồng Liên

Post Comment