Saturday, 4 May 2024
blog

Giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết

Theo thông tin từ Bộ Công an, mới đây, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như lừa đảo kinh doanh đa cấp, giả danh tin nhắn của ngân hàng, thông báo trúng thưởng, giả danh các cơ quan pháp luật thông báo vi phạm… nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân vẫn xảy ra, nhưng đã xuất hiện thêm một thủ đoạn mới là giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo.

Cụ thể, theo Công an tỉnh Kon Tum, dù các hành vi lừa đảo không mới, nhưng tại các tỉnh lẻ nhiều người vẫn mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Các nạn nhân ở đây đa số lần đầu được tiếp cận hoặc chưa từng biết đến chứng khoán.

Đặc biệt, loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội Facebook, ZaLo, Telegram… chúng thường đưa ra các thông tin đánh vào sự thiếu hiểu biết và lòng tham, muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của các nạn nhân.

Giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… để lừa đảo.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận đơn trình báo 02 trường hợp bị tội phạm giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây tổng thiệt hại lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Đơn cử, chị T. trú tại tỉnh Kon Tum, thông qua mạng xã hội Facebook đã được một đối tượng tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tư vấn, mời gọi tham gia, ban đầu chị T. tham gia với số tiền nhỏ và tài khoản đã sinh lợi nhuận chị đã rút được tiền gốc và lợi nhuận ra khỏi tài khoản, sau đó đối tượng này kêu gọi chị T. đầu tư thêm 80 triệu và được công ty hỗ trợ thêm 20 triệu vào tài khoản chứng khoán.

Sau một thời gian, đối tượng thông tin đến chị T. là đã đầu tư thành công và lợi nhuận đã lên đến 3 tỉ 3 trăm triệu. Bằng những thủ đoạn này đối tượng đã chiếm được lòng tin của chị T. để tiếp tục đưa ra các thông tin dụ dỗ chị đầu tư với số tiền lớn hơn.

Vì tin tưởng như lần đầu là sẽ rút được tiền và kiếm thêm lợi nhuận một cách dễ dàng nên chị đã nộp tiền nhiều lần vào các tài khoản theo chỉ định của đối tượng lừa đảo tổng cộng lên đến hơn 600 triệu đồng.

Theo chia sẻ của chị T.: “Tiền tham gia tôi đi vay mượn hết, không có tiền nhà, khoản cuối cùng họ nói là số tài khoản sai nhiều lần bắt phải nộp phí để thanh tra nguồn tiền do số tiền quá lớn nên không rút được. Họ bắt nộp phí 346 triệu nữa khi đó tôi mới giật mình phát hiện mình bị lừa nên số tiền đó tôi không nộp nữa”.

Qua thực tế đấu tranh với loại tội phạm này, Trung tá Đinh Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng – Phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Loại tội phạm này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn.

Để dụ dỗ người bị hại thì ngay từ ban đầu đối tượng sẽ cho người bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để làm tin. Sau khi cho hưởng lợi nhuận thì đối tượng tiếp tục dụ dỗ đầu tư thêm tiền để thu lại được nhiều lợi nhuận hơn.

Chưa dừng lại, các đối tượng tiếp tục tung tin là bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại số tiền đã thua lỗ. Chính vì tiếc số tiền đó nên người bị hại đã đi vay thêm tiền để tiếp tục đầu tư với hy vọng sẽ lấy lại được số tiền đã đầu tư trước đó, cho đến khi không còn khả năng nữa người bị hại mới nghi ngờ đây là lừa đảo mới trình báo cơ quan công an.

Trung tá Đinh Quốc Tuấn khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nghe theo những lời dụ dỗ của các đối tượng vì đa số các trang sàn chứng khoán trên mạng là lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, tuyệt đối không nghe theo các đối tượng đó. Khi lỡ đã bị lừa đảo thì bị hại hãy hỏi những người xung quanh, người thân tra cứu trên mạng Internet để biết và ngừng ngay việc bị lừa đảo và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Để bản thân không trở thành miếng mồi béo bở của loại tội phạm này, người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời dụ dỗ việc nhẹ, lại kiếm được nhiều tiền như lời giới thiệu của các đối tượng đưa ra. Qua đây cũng là lời cảnh tỉnh đến những người dân thiếu hiểu biết, tiếp nhận những thông tin chưa được kiểm chứng, vì lòng tham, muốn làm giàu nhanh chóng mà tiền mất tật mang.

Giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI từng cảnh báo, không yêu cầu hoặc tuyển dụng nhân viên tải bất kỳ ứng dụng nào để tăng like/ bình luận/ tương tác trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội

Lừa đảo từ các app, ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo

Trước đó, các cơ quan chức năng và các đơn vị truyền thông cũng đã đưa tin, phản ánh về hiện tượng liên tục xuất hiện nhiều ứng dụng kêu gọi đầu tư chứng khoán giả mạo và không rõ nguồn gốc khiến cho nhiều nhà đầu tư dễ bị nhầm lẫn.

Ứng dụng đầu tư chứng khoán của Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) bị làm giả, các đối tượng câu kéo nhà đầu tư mở tài khoản, yêu cầu nạp tiền vào một công ty bất động sản, không phải là tài khoản hợp pháp của CSI.

Hay như vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI từng lên tiếng cảnh báo giả mạo tuyển dụng SSI để lừa đảo tải app. Theo SSI cho biết, thời gian vừa qua xuất hiện hình thức lừa đảo mới với phương thức mạo danh là nhân viên/ bộ phận tuyển dụng Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI để yêu cầu tải ứng dụng kiếm tiền.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo hứa hẹn trả lương cho người tải app DingTalk để like, thả tim, follow, tăng tương tác cho các bài post của Chứng khoán SSI. “Thông tin này là hoàn toàn sai sự thật” – SSI cho biết.

Đồng thời, SSI nhấn mạnh, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI không yêu cầu hoặc tuyển dụng nhân viên tải bất kỳ ứng dụng nào để tăng like/ bình luận/ tương tác trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi khuyến cáo quý khách hàng không tải ứng dụng hoặc không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng lừa đảo trên.

Bên cạnh đó, một ứng dụng khác có tên là Fast Trading cũng liên tục mời chào, lôi kéo các nhà đầu tư bỏ tiền vào ứng dụng này. Nếu khách hàng mở tài khoản giao dịch tại đây thì có thể được bán sớm, cho vay đòn bẩy gấp 10 lần, hay có thể đẩy trực tiếp lệnh đến sàn giao dịch, mà không cần thông qua các công ty chứng khoán. Quảng cáo hoành tráng là vậy nhưng ứng dụng này lại không có thông tin gì về tên công ty, mã số thuế, hay giấy phép thành lập cũng như không được cấp phép từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Không những vậy, các đối tượng còn giả danh Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, kêu gọi huy động tiền và đầu tư chứng khoán trực tiếp với Sở. Các đối tượng đã sử dụng trái phép logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và thông tin hoạt động của đơn vị để dụ dỗ nhà đầu tư.

Phân tích thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, cơ quan công an cho biết loại tội phạm này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn.

Để dụ dỗ nạn nhân, ngay từ đầu các đối tượng lấy lòng tin bằng cách cho nạn nhân được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản. Sau đó, chúng tiếp tục dụ dỗ người bị hại chi thêm tiền để thu về nhiều lợi nhuận hơn. Kẻ lừa đảo còn tung tin là bị thua lỗ, lỗi kỹ thuật, cần cần nạn nhân đầu tư thêm để gỡ lại số tiền đã mất. Mục đích lôi kéo người bị hại tiếp tục đổ tiền đầu tư, bất chấp vay mượn.

Theo đó, để không bị mất mát tài sản, Bộ Công an khuyến cáo người dân và nhà đầu tư không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nơi ở cho người lạ; không nghe lời của người không quen biết mà chuyển tiền theo đề nghị của họ; không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các loại giấy tờ tùy thân; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người lạ.

Các cơ quan giao dịch chứng khoán khẳng định không tổ chức giao dịch chứng khoán trực tiếp với nhà đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào và đề nghị đề nghị nhà đầu tư lưu ý và cẩn trọng. Người dân và nhà đầu tư chỉ đầu tư vào các công ty chứng khoán đã được cấp phép và có thông tin đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật.

Post Comment