Wednesday, 15 May 2024
blog

Hệ sinh thái “đồ sộ” Samsung ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam như thế nào?

Samsung đã đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy lớn ở Việt Nam để sản xuất linh kiện và các thiết bị điện tử, điện thoại di động, TV, điều hòa… Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam xấp xỉ 17,5 tỷ USD.

Samsung tác động đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Samsung là một tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, ra đời vào năm 1938 do ông Lee Byung-chul sáng lập với khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ.

Sau gần 80 năm phát triển, Samsung gặt hái được không ít thành công quan trọng bên cạnh đó là quy mô khổng lồ với hơn 80 ngành nghề kinh doanh khác nhau từ chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán, đóng tàu, xây dựng… nhưng chủ yếu vẫn là điện tử và chất bán dẫn.

Ba trụ cột chính là Samsung Electronics (điện tử), Samsung Heavy Industries (đóng tàu) và Samsung Engineering & Samsung C&T (xây dựng).

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Internet)  

Để mở rộng quy mô hoạt động, Samsung luôn có những chính sách đầu tư đến các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2008, Samsung chính thức nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.

Đây là dự án đầu tiên trong đại kế hoạch đầu tư cho di động của Samsung tại Việt Nam, có vai trò quan trọng tạo tiền đề vững chắc cho sự mở rộng quy mô đầu tư của Samsung trong hành trình đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.

Sau 13 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp 26 lần, lên tới 17,5 tỷ USD. Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm sáu nhà máy và một Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP. Hồ Chí Minh) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

Hàng tỷ thiết bị đã được đưa ra thị trường toàn cầu từ 6 nhà máy Samsung tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2019 đã mang lại doanh số xuất khẩu 59 tỷ USD cho Việt Nam. Sự gia tăng đầu tư và sản xuất của Samsung góp phần giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Tầm ảnh hưởng của Samsung đến nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Năm 2017, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,21%, mức thấp nhất trong vài năm, nguyên nhân chính do sự cố điện thoại Galaxy Note 7 khiến Samsung phải thu hồi sản phẩm và tác động mạnh đến kết quả kinh doanh. Năm 2018, hoạt động kinh doanh của Samsung ổn định trở lại và Samsung công bố những kỷ lục doanh thu lợi nhuận mới. Ngay lập tức GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn này đang sử dụng hơn 170.000 người lao động Việt, biến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Mục tiêu chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển

Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam xấp xỉ 17,5 tỷ USD. Trong đó, Samsung Điện tử Việt Nam được đầu tư 9,5 tỷ USD, bao gồm: 2,5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Bắc Ninh; 5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Thái Nguyên và 2 tỷ USD đầu tư vào dự án Tổ hợp Samsung CE Complex tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh…

Các công ty con của tập đoàn Samsung được đầu tư 7,863 tỷ USD bao gồm: 6,5 tỷ USD cho Samsung Display SDV tại Bắc Ninh; 133 triệu USD cho Samsung SDIV chuyên sản xuất pin điện thoại tại Bắc Ninh và 1,23 tỷ USD cho Samsung Điện Cơ SEMV tại Thái Nguyên

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) được thành lập từ năm 2012 có trụ sở chính tại Hà Nội, không chỉ nghiên cứu và phát triển phần mềm điện thoại mà còn tham gia chuyển giao công nghệ tiên tiến đưa vào dây chuyền sản xuất tại 2 nhà máy lớn nhất tập đoàn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Samsung Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Khi chính thức hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.

Đây cũng là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… tạo tiền đề để Việt Nam có thể đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, với những chính sách và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương nên trong thời gian dịch bệnh Covid-19, các nhà máy chi nhánh của Samsung vẫn có thể hoạt động, khắc phục những khó khăn do Covid-19 gây ra, đảm bảo ổn định sản xuất và mục tiêu xuất khẩu, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.

Tính đến tháng 9/2020, Samsung đã cán mốc gần 1,5 tỷ sản phẩm công nghệ cao được sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, trong số gần 1,5 tỷ sản phẩm này, nhà máy Samsung Bắc Ninh sản xuất được hơn 769 triệu sản phẩm, còn Samsung Thái Nguyên sản xuất hơn 697 triệu sản phẩm. Gần 1,5 tỷ thiết bị này bao gồm các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh (smartwatch) và các sản phẩm điện thoại cơ bản.

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Hoo chia sẻ với truyền thông rằng, đối với Samsung, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu quan trọng hàng đầu mà còn là cứ điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Nửa đầu năm 2020 kinh tế toàn cầu trở nên đình trệ, xuất khẩu của Samsung Việt Nam giảm so với năm 2019.

Tuy nhiên 6 tháng cuối năm, do hiệu ứng nhu cầu bị dồn nén, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử tăng trở lại giúp cho kinh doanh của Samsung có dấu hiệu hồi phục. Kết quả, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Samsung Việt Nam đạt khoảng 57 tỉ USD, một kết quả tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2021, Samsung Việt Nam tiếp tục triển khai tích cực các quy định, biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam cũng như của Tập đoàn Samsung nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa đảm bảo sự an toàn của nhà máy vừa duy trì ổn định sản xuất, giữ vững mục tiêu xuất khẩu.

Theo ông Choi Joo Hoo, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng đa dạng, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và thành công… Đó chính là các yếu tố đã tác động tích cực tới làn sóng dịch chuyển này. Bên cạnh đầu tư bổ sung trang thiết bị sản xuất tại 6 nhà máy, Samsung sẽ đa dạng hóa hạng mục hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, như sản xuất thiết bị mạng 5G hay máy tính xách tay.

Sau khi trung tâm R&D mới được đưa vào vận hành năm 2023, Samsung sẽ tuyển dụng thêm hàng trăm kỹ sư so với quy mô hiện tại. Ngoài các nghiên cứu về sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, sản phẩm về mạng, dự án kiểm chứng… các cơ hội nghiên cứu về công nghệ cao trong tương lai sẽ nhiều hơn.

Nếu như trung tâm SVMC hiện tại chỉ là tòa nhà văn phòng thông thường được thuê lại thì ngay từ khâu thiết kế, cơ sở vật chất của trung tâm R&D mới đã được tính toán để nghiên cứu phát triển cả phần cứng, phần mềm. Đây cũng là một trong những yếu tố được kỳ vọng sẽ làm gia tăng hiệu quả các hoạt động nghiên cứu.

Samsung sẽ đa dạng hóa hạng mục hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)  

Mới đây, đoàn công tác do ông Choi Joo Hoo dẫn đầu cũng có buổi làm việc, nghiên cứu và tìm hiểu về tỉnh Thanh Hoá nhằm trao đổi về việc hợp tác giữa hai bên. Ông Choi Joo Hoo cho biết, Samsung sẽ đặc biệt quan tâm đến Thanh Hóa, tạo điều kiện để tỉnh này thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Hệ sinh thái “đồ sộ”

Không chỉ trực tiếp đóng góp, sự xuất hiện của các Tập đoàn điện tử lớn như Samsung đã kéo theo hệ sinh thái đồ sộ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà cung cấp (vendor) theo sau Samsung đến Việt Nam mở nhà máy nhằm rút ngắn khoảng cách chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường tiềm năng và những ưu đãi mà Chính phủ đem lại.

Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% các giao dịch của Samsung Electronics, 28 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là đều là các doanh nghiệp vốn nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…) có quan hệ đối tác lâu năm với Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc.

Quy mô hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đều ở mức lớn, đem về hàng nghìn tới hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Nổi bật nhất trong số này là Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDI Vietnam, là hai công ty con của Samsung, năm ngoái thu về lần lượt 41.000 tỷ đồng và 32.600 tỷ đồng. Samsung Electro-Mechanics sản xuất mạch bán dẫn, chip, camera modul… trong khi Samsung SDI Vietnam có sở trường với pin điện thoại.

Nhiều cái tên nằm ngoài Samsung cũng cho thấy kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng: MCNEX Vina sản xuất module camera doanh thu 22.200 tỷ đồng năm vừa rồi; Power Logics Vina sản xuất bảng mạch bảo vệ pin đạt hơn 19.800 tỷ đồng; CammSys Vietnam cung cấp module camera thu về 13.250 tỷ; Goertek Vina sản xuất tai nghe, mic đạt hơn 12.800 tỷ đồng; Intops Việt Nam chuyên vỏ điện thoại ghi nhận 11.900 tỷ đồng; SI Flex sản xuất mạch in linh hoạt (FPCB) doanh thu 9.300 tỷ đồng, AAC Technologies Vietnam module loa, micro đạt gần 9.000 tỷ đồng…

Hầu hết là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi năm, một số đơn vị thường xuyên góp mặt trong danh sách đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất tại Việt Nam.

Ngoài Samsung là một trong số những đối tác lớn nhất, các doanh nghiệp này cũng cung ứng nguyên liệu – phụ kiện cho nhiều nhà sản xuất điện tử khác, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu. Ở Việt Nam, bên cạnh việc LG tiến hành dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam trong những năm gần đây, nhà sản xuất nội địa VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng nổi lên là ứng viên tiềm năng với những tham vọng trong sản xuất điện tử…

Post Comment