Saturday, 27 Apr 2024
blog

Lỗ hổng trong xét duyệt cho vay để tội phạm lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng

Q.Việt

  –  

Thứ ba, 06/09/2022 08:25 (GMT+7)

Tội phạm lừa đảo dùng giấy tờ của người khác để làm thủ tục vay vốn của các tổ chức tín dụng rồi chiếm đoạt, song đằng sau đó, theo cơ quan công an, có lỗ hổng trong việc xét duyệt, giải ngân của những tổ chức tín dụng này.

Lỗ hổng trong xét duyệt cho vay để tội phạm lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng
Tang vật liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Ảnh: CACC

Chiếm đoạt hàng tỉ đồng bằng giấy tờ của người khác

Ngày 3.9, Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Phạm Duy Quyền (25 tuổi, ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, khoảng tháng 11.2020, Quyền sử dụng mạng xã hội Facebook đăng lên các nhóm “Chạy tiệc cưới Hà Nội”, “Phát tờ rơi Hà Nội”… với nội dung: Tuyển người nghe hội thảo Credit.

Để thu hút sự chú ý, Quyền thông báo ai đến dự hội thảo sẽ được nhận 80.000 đồng. Khi khách đến, Quyền yêu cầu chụp lại chứng minh nhân dân, căn cước công dân gửi qua số điện thoại của bị can.

Trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, Quyền đã mở “hội thảo” tại 2 địa điểm: số 229 Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Hà Đông và số 131 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông.

Cùng với kiến thức, kỹ năng của nhân viên bán hàng trên mạng, Quyền tính toán khi tìm thuê căn hộ chung cư ở các tòa nhà có siêu thị, trung tâm thương mại ở tầng 1. Khi mở “hội thảo” ở ngay căn hộ chung cư ấy, Quyền tự khoe anh ta là nhà phân phối sản phẩm của các thương hiệu lớn.

Những người đến dự “hội thảo” đều được Quyền thông báo phải ngồi nghe từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ; song trước mắt chỉ cần điểm danh bằng cách cầm chứng minh nhân dân, căn cước công dân chụp ảnh; và hướng dẫn 3 bước như sau: Chụp ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân hai mặt với thẻ nhân viên của VietCredit; Chụp ảnh với nhân viên của VietCredit; Chụp ảnh cầm 1 thẻ ATM in logo VietCredit.

Kết thúc hội thảo, Quyền tìm cách mua nhiều sim điện thoại, sử dụng các thông tin cá nhân có được rồi tự viết hợp đồng, tự ký tên của các khách hàng để làm hồ sơ vay tín dụng của Công ty VietCredit. Sau đó, Quyền đã sử dụng thông tin của 139 người, chủ yếu là sinh viên, để làm hồ sơ vay tín dụng của Công ty VietCredit, qua đó chiếm đoạt số tiền gần 1,9 tỉ đồng.

Hành vi phạm tội của Quyền bị phát hiện khi chính một người bị anh ta lợi dụng thông tin, hình ảnh cá nhân để vay tiền của Công ty VietCredit, phát hiện, tố giác. Cụ thể, khi tiếp xúc với nhân viên của Công ty VietCredit để làm thủ tục vay tiền, người này tá hỏa khi biết đang là “con nợ” của khoản tiền vay hơn 10 triệu đồng.

Khi phía Công ty VietCredi đưa ra thông tin, hình ảnh cá nhân, người này mới nhớ lại từng tham dự “hội thảo” và nhận được “quà” là 80.000 đồng hồi nào, do Quyền tổ chức tại khu vực Hà Đông.

Cơ quan chức năng đang làm rõ sai phạm của các đối tượng liên quan khác trong vụ án trên.

Thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân) cũng được Bộ Công an cảnh báo hồi tháng 6 vừa qua.

Bộ Công an đã chỉ ra, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000 – 300.000 đồng trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Lỗ hổng trong xét duyệt cho vay tiền

Nhìn nhận vụ án trên, cơ quan điều tra cho hay, bình quân mỗi hồ sơ vay tiền ít nhất 13 triệu đồng. Nhưng chỉ một mình Quyền với thông tin căn cước và ảnh của người khác lại dễ dàng làm thủ tục vay tiền rồi chiếm đoạt.

Việc Quyền chiếm đoạt gần 1,9 tỉ đồng của VietCredit, Cơ quan điều tra đã chỉ rõ đó là sự lỏng lẻo trong việc xét duyệt hồ sơ, chấp thuận cho vay tiền của doanh nghiệp trong vụ án này.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến – Đoàn luật sư Hà Nội – cho hay, trong một số vụ án chiếm đoạt tiền của ngân hàng, tổ chức tín dụng còn có sự câu kết giữa tội phạm với nhân viên tín dụng. Bên cạnh đó, còn có sự thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra quy định của ngành, cố ý không thực hiện đúng quy trình cho vay để người khác chiếm đoạt tài sản, vốn của ngân hàng.

Với những người phạm tội không phải là cán bộ tín dụng, ngân hàng thì xuất phát từ động cơ tư lợi, họ lợi dụng mối quan hệ quen biết với cán bộ ngân hàng, tín dụng để làm hồ sơ giả, hồ sơ khống, hồ sơ thế chấp không đảm bảo khách quan đúng quy định rồi ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản lấy tiền ra sử dụng, đến hạn không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Cũng từ việc vô tư đưa giấy tờ tuỳ thân cho kẻ lạ, Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Đồng thời không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội cũng như không cung cấp thông tin trên cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Người dân rất có thể vô tình thành con nợ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Post Comment