Saturday, 18 May 2024
blog

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu có phạm tội?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu có phạm tội?

Câu hỏi: Cho em hỏi vê hành vi lừa đảo qua mạng số tiền dưới 2 triệu đồng do mua thẻ điện thoại như sau: Em có quen 1 người và mua thẻ đt của người này, Em cũng mua và gửi qua nhưng nó bảo là thẻ đã nạp rồi. Em gọi lên tổng đài thì tiếp viên báo với em là thẻ đã nạp vào cách đây vài phút. Em mới nhắn cho nó, nó bảo là không cần biết lý do gì và bảo em mua cái mới đi. Không hiểu sao mà em tin nó thật. Nhờ bạn đi mua ngay cái thẻ 50k mới và gửi cho nó. Xong nó gửi cái tài khoản cho em.

Tính em thì cứ kĩ càng nên nó vừa gửi qua là em kiểm tra liền nhưng không vào được. Em hỏi nó thì nó còn bảo là em đổi mật khẩu rồi. Em nóng qua em dọa nó thì nó bảo chờ nó để nó hỏi chủ tài khoản. Vài phút sau thì nó báo em rằng vì giao dịch lâu quá nên chủ tài khoản bán cho người khác rồi. Nó bảo đưa nó thêm card 100k nữa nó cho tài khoản ngon. Nhưng em bảo là làm gì 100k, nãy gửi 50k rồi giờ 50k nữa thôi. Rồi lúc nãy nạp mất 50k nữa nên nó lấy phí 20k thôi.

Đến nước này rồi thì phải mua thôi nên em nhờ bạn mua giúp cái mobi 50 và 2 cái 10k(Vì hết mobi 20k). Em gửi qua, em chụp luôn hình tin nhắn thằng bạn gửi cho em cho nó coi. Rồi nó lại bảo 50k này nạp rồi. Rồi chửi em làm mất thời gian của nó. Em cự cãi rồi nó bảo nó cho qua 50k nhưng nó không giảm giá nữa mà lại tăng lại 30k. Rồi bảo em là đưa nó 2 cái viettel 20 bù cho cái 50k nãy mất. Em bực mình nhưng vẫn mua theo vì giờ chả biết làm gì. Em đã gửi đầy đủ cho nó và rồi nó chặn Fb em, em nhờ bạn nhắn dùm nhưng nó chặn luôn Fb bạn em.Em mong Luật Sư tư vấn cho em. Mặc dù tổng số tiền chỉ là 410k nhưng củng không ít đối với học sinh,sinh viên bọn em. Em có thể khởi tố vì tội chiếm đoạt tài sản người khác được không ạ. Em cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đế Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Đối với trường hợp của bạn trên theo thông tin bạn cung cấp đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không cần đảm bảo các yếu tố cấu thành tội phạm (cần và đủ). Trong đó: hành vi dùng thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản. Gian dối là đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối, người phạm tội còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài khi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm. Còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vậy trường hợp của anh, giá trị tài sản của anh bị chiếm đoạt là 410.000 VNĐ, vì vậy căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 thì chưa đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm, trừ trường hợp việc chiếm đoạt đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người chiếm đoạt đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xoá án tích thì mới đủ dấu hiệu để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp không đủ căn cứ giải quyết hình sự, người này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP và phải bồi thường thiệt hại cho bạn:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

Trân trọng!

Post Comment