Saturday, 18 May 2024
blog

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu có đi tù không?

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt được quy định cụ thể theo quy định của pháp luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Vậy Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu có đi tù không? Khách hàng quan tâm đến nội dung trên vui lòng theo dõi nội dung bài viết để có thêm các thông tin hữu ích.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc một người dùng thủ đoạn gian dối, cố ý đưa ra các thông tin không đúng sự thật để người khác tin và giao tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Dấu hiệu để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tội xâm phạm quyền tài sản khác đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối phải được thể hiện bằng những hành vi cụ thể được biểu hiện bằng lời nói, hành động thể hiện ra bên ngoài chứ không phải chỉ trong tư tưởng.

Thủ đoạn gian dối cũng được đặc trưng bởi ý chỉ của người hành động nó, tức là, một hành động để chứng minh được đó là dùng thủ đoạn gian dối phải được xuất phát từ ý chí của người đó, người đó biết hành động đó là gian dối, nhưng vẫn cố tình hành động nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu người đó không biết hành động đó là gian dối và không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì không thể kết luận đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu có đi tù không?

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu có bị đi tù và với hành vi này người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt cụ thể sẽ do Toà án tuyên dựa trên mức độ nguy hiểm của hành vi và nhân thân người phạm tội.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền nhưng đã trả lại có bị đi tù không?

Áp dụng theo quy định Tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định như sau:

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.

Theo đó, mặc dù đã trả hết số tiền lừa đảo, người bị lừa đã rút đơn tố cáo nhưng vì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không thuộc một trong các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại được liệt kê ở trên nên cơ quan điều tra vẫn tiếp tục khởi tố vụ án theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Tuy nhiên, việc trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho nạn nhân sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về việc giải đáp thắc mắc liên quan đến Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu có đi tù không? Khách hàng theo dõi bài viết, có vấn đề gì chưa hiểu rõ thông tin vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6557 để được bộ phận pháp lý của chúng tôi hỗ trợ được nhanh chóng, tận tình nhất.

Post Comment