Thursday, 18 Apr 2024
blog

Lừa đảo ‘việc nhẹ lương cao’ ở Campuchia: Nạn nhân từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ

Lừa đảo việc nhẹ lương cao ở Campuchia: Nạn nhân từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh 1.

Cảnh sát Đài Loan giơ bảng cảnh báo hành khách chuẩn bị khởi hành đi Campuchia về các vụ lừa đảo việc làm tại sân bay Đào Viên đầu tháng 8 – Ảnh: CNA

Cảnh sát các nước/vùng lãnh thổ đã và đang triển khai các chiến dịch lớn để giải cứu công dân bị ép làm công việc lừa đảo và chặn đứng các đường dây buôn người tại một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia.

Giải cứu công dân

Thông qua mạng xã hội, những kẻ buôn người nhắm đến những người trẻ ở châu Á, hứa hẹn với họ “công việc nhẹ lương cao” cùng chỗ ở tại các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanmar…

Khi đến nơi, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu. Họ bị bán cho những nhóm khác nhau, và bị buộc làm việc cho các công ty chuyên lừa đảo qua điện thoại hoặc trực tuyến. Nhóm nạn nhân lớn nhất thường đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, báo Guardian đưa tin ngày 23-8.

Nhiều nhóm tội phạm chọn Campuchia, đặc biệt là thành phố Sihanoukville, vì có mức thuế thấp và các quy định lỏng lẻo.

Báo Asia Nikkei dẫn lời một chuyên gia cho biết vào đỉnh điểm năm 2019, ngành cờ bạc trực tuyến tại Sihanoukville, đã tạo ra hàng tỉ USD lợi nhuận hằng năm, sử dụng hàng chục nghìn lao động.

Năm 2020, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố cấm cờ bạc trực tuyến. Tuy nhiên, các mạng lưới tội phạm liên quan đến cờ bạc trực tuyến và lừa đảo vẫn xuất hiện ở quốc gia Đông Nam Á này.

Các mạng lưới này chủ yếu do người Trung Quốc cầm đầu, song cũng có những đường dây do người từ các quốc gia Đông Nam Á điều hành.

Năm 2022, đại sứ quán Việt Nam và Trung Quốc tại Campuchia đã đưa ra các cảnh báo về mối đe dọa từ các nhóm buôn người, cảnh báo các nạn nhân thường bị dụ dỗ với các lời đề nghị “việc nhẹ lương cao”.

Lừa đảo việc nhẹ lương cao ở Campuchia: Nạn nhân từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh 2.

Thành phố Sihanoukville, Campuchia thu hút các đường dây tội phạm cờ bạc trực tuyến – Ảnh: GETTY IMAGES

Nô lệ thời hiện đại

Giới chức Đài Loan cho biết gần 5.000 công dân của hòn đảo đã đến Campuchia nhưng không trở về. Cảnh sát Đài Loan nói họ đã xác nhận được ít nhất 370 người trong số này đang bị giam giữ trái ý muốn, song con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ít nhất 46 người đã quay lại Đài Loan trong những tháng gần đây. Một số khai là họ hoặc những người khác bị ép ký hợp đồng, bị hành hung, cưỡng hiếp, bỏ đói bỏ khát, và thường xuyên bị đe dọa.

Cô Yu Tang là một trong số những người đó. Cô bị lừa sang Campuchia cùng những người đang tìm việc làm khác. Khi đến thủ đô Phnom Penh, nhóm của cô bị tịch thu hộ chiếu, sim điện thoại, bị giam giữ và ép làm việc cho một đường dây lừa đảo qua điện thoại. Cô may mắn lấy được một sim điện thoại và được cảnh sát giải cứu để trở về Đài Loan.

Nikkei Asia cũng nêu câu chuyện của anh Hua (tên nhân vật đã được thay đổi). Chàng thanh niên 29 tuổi này từng bị nhốt ở một nơi nào đó tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. Hua cho biết có khoảng 1.000 người trong khu nhà có tường bao quanh nơi anh ở.

Người giám sát khu nhà đưa cho anh Hua điện thoại, và mỗi ngày anh phải dùng các ứng dụng mạng xã hội để kết bạn với phụ nữ Trung Quốc, làm họ tin tưởng và lôi kéo họ đầu tư vào bitcoin. Người làm tốt được thưởng và người làm việc không đạt sẽ bị đánh.

Những người bị bắt cũng bị tra tấn đánh đập, đôi khi bị quay phim gửi người thân để giục tiền chuộc. Một số người bị bán giữa các công ty lừa đảo. Giá khởi điểm khoảng 8.000 USD, nhưng cũng phụ thuộc vào tình hình tài chính của gia đình nạn nhân.

Anh Hua đã sang Campuchia với niềm tin anh sẽ làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng với thu nhập 4.000 – 5.000 USD/tháng. Tuy nhiên, sau một tháng làm việc không lương tại Campuchia, gia đình đã phải gom góp, vay mượn trả món tiền chuộc 15.000 USD để giúp anh Hua tự do.

‘Việc nhẹ lương cao’ bên Campuchia là gì?

TTO – Nhiều người Việt Nam đã và đang làm việc tại các tụ điểm của Campuchia cho hay họ bị dụ dỗ, lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”.

Post Comment