Friday, 3 May 2024
blog

Mạo danh công an phòng cháy, chữa cháy để lừa đảo

LCĐT – Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng và một số địa phương trong tỉnh xuất hiện đối tượng mạo danh cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh gọi điện hoặc trực tiếp đến các hộ tiểu thương, cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp để yêu cầu đăng ký tham gia lớp huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và mua sách, tài liệu văn bản pháp luật liên quan đến công tác này… Nếu chủ cơ sở không chấp hành sẽ bị đe dọa xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí buộc dừng hoạt động. Do thiếu hiểu biết, nhiều cơ sở đã vội đăng ký, nộp tiền mua tài liệu của các đối tượng, sau một thời gian mới phát hiện mình bị lừa thì các đối tượng đã cao chạy xa bay.

Tài liệu PCCC và các thông tư, nghị định không còn hiệu lực pháp lý được các đối tượng bán với giá hàng triệu đồng.

Chị Thanh Huyền, chủ một cơ sở làm đẹp tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai chia sẻ với phóng viên: Khi gia đình tôi đang hoàn thiện cửa hàng và khu kinh doanh thì nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Văn H., cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH vừa được UBND phường thông báo có cơ sở làm đẹp trên địa bàn sắp đi vào hoạt động nhưng chưa có chứng nhận đảm bảo an toàn PCCC. Do cũng mong muốn hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi đi vào hoạt động nên tôi đồng ý tham gia. Ngay sau đó, đối tượng này yêu cầu tôi cung cấp thông tin họ và tên, địa chỉ cửa hàng… và thông báo chuẩn bị đi tập huấn PCCC trong vài ngày tới.

Công an tỉnh Lào Cai khuyến cáo:

1. Đại diện các cơ sở, doanh nghiệp và người dân khi nhận được điện thoại, cần nhanh chóng thu thập các thông tin cụ thể như tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị công tác, kế hoạch công tác và thông báo cho cơ quan công an gần nhất hoặc cán bộ phụ trách PCCC cơ sở, doanh nghiệp để kiểm tra, phát hiện và bắt giữ đối tượng lừa đảo.

2. Người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ làm việc với cơ quan cảnh sát PCCC khi có giấy giới thiệu hoặc kế hoạch, thông báo lịch kiểm tra được thủ trưởng đơn vị phê duyệt gửi cho cơ sở, doanh nghiệp trước 3 ngày làm việc để tránh trường hợp mạo danh cán bộ cảnh sát PCCC đến liên hệ công tác gây phiền hà, nhũng nhiễu.

Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày, đối tượng tên H. lại gọi điện nói với tôi do tình hình dịch Covid-19 nên lớp tập huấn sẽ lùi thời gian, sẽ rút ngắn chương trình và yêu cầu người tham gia tự mua tài liệu để nghiên cứu tại nhà trước. Tài liệu tập huấn sẽ được nhân viên giao tận cơ sở, người này cũng yêu cầu tôi thanh toán phí tập huấn, phí mua tài liệu gần 2 triệu đồng.

Chờ 2 tuần sau không thấy vị “cảnh sát” thông tin gì về lớp tập huấn, chị Huyền gọi lại thì số máy báo không liên lạc được nên đã đến Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hỏi mới biết mình bị lừa.

Khoảng 1 tháng trước, khi đang làm hồ sơ để hoàn tất thủ tục đưa cơ sở sản xuất của doanh nghiệp vào hoạt động, anh Phạm Minh H., chủ một cơ sở kinh doanh tại huyện Bảo Thắng nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là cảnh sát PCCC, người này đề nghị anh H. đăng ký dự lớp tập huấn và mua tài liệu, sách hướng dẫn PCCC cho doanh nghiệp với mức phí hơn 2 triệu đồng. Do không nắm được thông tin về quy định cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ về PCCC nên anh H. đồng ý. Sau đó anh được một người lạ mang đến gói tài liệu cẩm nang PCCC và yêu cầu anh trả tiền tài liệu hơn 700 nghìn đồng.

Tuy nhiên, sau khi xem các tài liệu, anh H. mới biết đây toàn là văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực. Khi anh liên lạc với vị “cảnh sát PCCC” đã gọi cho mình thì không thấy bắt máy. Nghi ngờ về sự việc, anh đã liên lạc với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thì được biết trong thời gian này, đơn vị không mở các lớp tập huấn và cũng không cử cán bộ gọi điện cho doanh nghiệp để bán tài liệu…

Đây chỉ là 2 trong số các trường hợp bị kẻ mạo danh cảnh sát PCCC lừa đảo mời tham gia tập huấn và bán tài liệu trên địa bàn thời gian vừa qua. Theo phản ánh của người dân, các đối tượng lừa đảo hoạt động rất tinh vi, chúng thường nhắm đến cơ sở kinh doanh hoặc doanh nghiệp, thu thập địa chỉ, số điện thoại chủ cơ sở, sau đó dùng sim rác gọi điện mạo danh là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH yêu cầu đăng ký tham gia các lớp tập huấn để lấy chứng chỉ nghiệp vụ PCCC, đồng thời mời mua sách nghiên cứu… Các đối tượng thường yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải mua tài liệu, đóng học phí tập huấn nghiệp vụ qua đường bưu điện hoặc qua số tài khoản với số tiền từ 700.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng mà không trực tiếp gặp mặt.

Do các đối tượng không trực tiếp đến liên hệ mà chỉ dùng sim “rác” để gọi điện nên việc xác định, điều tra xử lý các đối tượng lừa đảo gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Lương Ngọc Cương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một số phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh về tình trạng mạo danh cảnh sát PCCC lừa đảo. Hiện tại, Công an tỉnh không có chủ trương cử cán bộ liên hệ qua điện thoại để tổ chức huấn luyện và bán tài liệu. Đặc biệt, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tạm dừng công tác huấn luyện PCCC để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo quy định của ngành công an, công tác huấn luyện PCCC được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, từ khâu xác định đơn vị, cá nhân có nhu cầu huấn luyện, đến khâu lập kế hoạch tổ chức huấn luyện, kiểm tra chất lượng, cấp giấy chứng nhận. Tất cả quy trình đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Nếu có trường hợp gọi điện thoại tự xưng là cảnh sát PCCC hoặc là công an để bán tài liệu và yêu cầu tham gia huấn luyện, trả kinh phí huấn luyện đều là hành vi lừa đảo. “Ðề nghị các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi nhận được cuộc gọi như thế, cần báo cơ quan công an gần nhất hoặc gọi điện thoại về số 114, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật” – Thượng tá Lương Ngọc Cương nói.

Post Comment