Friday, 29 Mar 2024
blog

Ngân hàng ồ ạt báo lãi ‘khủng’: Hãy cẩn trọng với lãi dự thu

6 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Thậm chí, lãi tăng bằng lần. Tuy nhiên, con số lãi dự thu có xu hướng tăng khiến lợi nhuận…

Lợi nhuận và lãi dự thu ngân hàng cùng tăng

Hiện tại, các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Dù chịu  áp lực chi phí vốn gia tăng khi buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay nhưng nhiều nhà băng vẫn báo lãi ‘khủng’ sau 6 tháng, có nhà băng thực hiện được 75% đến 80% kế hoạch năm.

Theo thống kê từ người viết, 10 ngân hàng có lãi cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là Vietcombank, VPBank, Agribank, Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank. Tổng lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này đạt khoảng 110.000 tỷ đồng, tăng 38% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, ngân hàng Vietcombank đang giữ ngôi đầu bảng lợi nhuận ngành ngân hàng với hơn 17.373 tỷ đồng sau 6 tháng. Theo sau là VPBank với 15.323 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh đến 70% so với cùng kỳ năm 2021; vị trí thứ ba là ngân hàng Agribank với hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 59% và tiếp đến là Techcombank đạt 14.106 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Ngân hàng MB cũng tăng trưởng hết sức ấn tượng. Nhà băng này báo lãi trước thuế gần 11.900 tỷ trong nửa đầu năm, tăng 49% so với cùng kỳ. Đối với ACB, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm tăng 42% so với cùng kỳ, lên 9.000 tỷ đồng.

Hay tại các ngân hàng tầm trung khác như ABBank, lợi nhuận nửa đầu năm cũng tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 1.329 tỷ đồng. Eximbank báo lãi trước thuế gần 1.903 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ và thực hiện được 76% kế hoạch năm sau nửa đầu năm.

Đối với TPBank, quý 2/2022 lợi nhuận trước thuế đạt 2.165 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận TPBank tăng 26% lên mức kỷ lục 3.788 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã thực hiện được hơn 46% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.

Xem thêm: Con số lãi dự thu trong top đầu lợi nhuận ngân hàng biến động ra sao?

lai-du-thu-ngan-hang-tang-2

Còn với ngân hàng VIB thu về 5.023 tỷ đồng lãi trước thuế sau 6 tháng, tăng 27% so với cùng kỳ. Đối với LienVietPostBank lãi trước thuế gần 3.589 tỷ đồng, tăng 76% so cùng kỳ và thực hiện được 75% kế hoạch năm sau nửa đầu năm.

Song song với mức tăng lợi nhuận, các khoản lãi, phí phải thu hay còn gọi là lãi dự thu – một yếu tố khác bên cạnh nợ xấu để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh ở một số ngân hàng – đã tăng theo.

Điển hình tại TPBank, lãi dự thu tính đến 30/6/2022 tăng 28% lên gần 2.484 tỷ đồng (tốc độ tăng cao hơn lợi nhuận). Còn lãi dự thu tại ABBank cũng tăng từ mức 769 tỷ đồng hồi đầu năm lên 942,5 tỷ đồng, tương ứng 22,5%. Hay tại Nam A Bank lãi dự thu tăng tới 34% lên gần 3.765 tỷ đồng.

Tại một ngân hàng lớn như MB lãi dự thu cũng tăng 17% từ 3.962 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.533 tỷ đồng. ‘Ông lớn’ Agribank ghi nhận lãi dự thu tăng 16% lên 10.997 tỷ đồng. Tương tự, lãi dự thu tại VIB tăng từ mức 1.856 tỷ đồng lên 2.104 tỷ đồng, tương ứng 13%.  

lai-du-thu-ngan-hang-tang

Lãi dự thu ‘thổi phồng’ lợi nhuận?

Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng), ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, tuy nhiên khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.

Lãi dự thu được hiểu là dòng tiền không có thật nhưng vẫn được ghi nhận vào thu nhập của ngân hàng. Khi đó, lợi nhuận từ các khoản này ngân hàng chưa được thu về nhưng vẫn phải thực hiện nộp thuế cho phần thu nhập đó và được sử dụng để chia cổ tức.

Điều này dẫn đến việc khi rủi ro xảy ra, các khoản lãi dự thu không thể thu hồi, toàn bộ những kế hoạch đã thực hiện trước có thể phải thay đổi. Đây là một việc được đánh giá là nhạy cảm và khá khó khăn trong quá trình xử lý. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến hoạt động cho nhiều năm về sau.

Trên thực tế, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra rằng, lãi dự thu đôi khi ‘thổi phồng’ lợi nhuận. Vì trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản dự tính thu được trong tương lai mà còn là nợ xấu tiềm ẩn.

Có thể thấy, lãi dự thu là con dao hai lưỡi, lợi nhuận được đẩy lên cao nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro nếu ngân hàng không thể thu được các khoản dự lãi.

Tuy nhiên, Giám đốc Phân tích của Công ty chứng khoán VIS Nguyễn Hồng Khanh từng đưa đưa ra quan điểm lãi dự thu chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để đánh giá các ngân hàng, không phải yếu tố mang tính trọng yếu.

Theo ông Khanh, sự biến động lãi dự thu sau một vài quý chưa thể hiện nhiều ý nghĩa. Nhà đầu tư cần nhìn vào sự thay đổi của chỉ số trên trong 3 – 4 năm để có sự đánh giá chính xác. Việc nhìn nhận tốt xấu của mức lãi dự thu cao hay thấp còn phụ thuộc thời điểm, tính chất hoạt động của từng ngân hàng.

Do đó, nhà đầu tư nên dành nhiều sự quan tâm hơn đến các chỉ số khác như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ tăng trích lập dự phòng, cơ cấu cho vay theo lĩnh vực của ngân hàng, khả năng chuyển nhóm nợ, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập để đánh giá mức độ rủi ro.

Post Comment