Monday, 20 May 2024
blog

Nhận được điện thoại thông báo vi phạm giao thông có phải lừa đảo?

Trong quá trình tư vấn pháp luật nói chung và tư vấn pháp luật giao thông đường bộ nói riêng, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi với nội dung: Nhận được điện thoại thông báo vi phạm giao thông có phải lừa đảo? Để giúp Quý độc giả hiểu hơn về vấn đề phạt nguội, giải đáp được thắc mắc trên, chúng tôi thực hiện bài chia sẻ này. Mời Quý vị theo dõi:

Phạt nguội là gì?

Phạt nguội là hình thức xử phạt người tham gia giao thông có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, được ghi thu hình ảnh, video thông qua hệ thống camera của tổ chức, cá nhân được lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, một số ngã tư là trọng điểm giao thông và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc các hình ảnh, video do lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi hình vi phạm mà không dừng phương tiện, xử lý ngay được, sau đó truyền những thông tin này về trung tâm xử lý.

Thủ tục phạt nguội mới nhất như thế nào?

Theo Điều 19a Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông được bổ sung bởi khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 6 tháng 4 năm 2022 của Bộ Công an thì:

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện:

a) Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

b) Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp xã nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 01/65/68) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử);

Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 01/65/68) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm;

c) Gửi thông báo (theo mẫu số 02/65/68) yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 135/2021/NĐ-CP).

2. Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.

3. Trường hợp vụ việc vi phạm do Công an cấp xã, Công an cấp huyện giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay kết quả giải quyết, xử lý vụ việc cho cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính (nếu đã có thông tin cảnh báo từ cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm đối với vụ việc quy định tại khoản 4 Điều này).

Trường hợp vụ việc vi phạm do cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay kết quả giải quyết vụ việc cho Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an cấp xã, Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện:

a) Cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định;

b) Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông vi phạm là xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng); đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính.

5. Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm được thực hiện bằng phương thức điện tử.”

Nhận được điện thoại thông báo vi phạm giao thông có phải lừa đảo?

Theo thủ tục phạt nguội đã chia sẻ trên đây, rõ ràng thấy rằng thông báo vi phạm giao thông không được thực hiện bằng hình thức gọi điện thoại. Thực tế nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân về phạt nguội vi phạm giao thông để đưa ra thông tin sai sự thật (có vi phạm giao thông) nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại ĐIều 174 Bộ luật hình sự hiện hành:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, tham khảo nội dung bài viết CSGT không gọi điện, nhắn tin thông báo phạt nguội (Nghinh Phong) trên website https://cand.com.vn/ có thể thấy lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã có những giải thích, khẳng định về vấn đề này. Chúng tôi xin trích dẫn một số nội dung trong bài viết này để Quý vị có thêm thông tin:

Trước tình trạng nhiều nạn nhân phản ánh về việc bị CSGT gọi điện nhắn tin thông báo phạt nguội, bị mất tài sản, Phòng CSGT ĐS – ĐB – Công an TP Hồ Chí Minh (Phòng CSGT) khẳng định, CSGT không gọi điện nhắn tin thông báo phạt nguội đối với bất cứ cá nhân, đơn vị hay người dân nào. Theo quy trình của việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình thức phạt nguội phải qua nhiều giai đoạn như ghi hình người vi phạm giao thông, trích xuất camera để hoàn thành phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo chuyển đến địa chỉ người vi phạm bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện. Sau 15 ngày người vi phạm chưa đến trụ sở làm việc, Phòng CSGT sẽ phối hợp với Công an địa phương gửi thông báo đến chủ phương tiện vi phạm. Những cuộc gọi xưng là CSGT thông báo phạt nguội đều là… lừa đảo.

Phòng CSGT khuyến cáo người dân, khi nhận được cuộc gọi từ các số lạ xưng là CSGT thông báo phạt nguội cần thông báo với Công an địa phương, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng với các đối tượng bằng bất kỳ hình thức nào. Đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện bị ghi hình phạt nguội, hiện Phòng CSGT đang chạy thử nghiệm kênh thông tin Official Account “Phòng CSGT ĐB – ĐS CA TP Hồ Chí Minh” trên nền tảng mạng xã hội (Zalo), qua đó tích hợp nhiều ứng dụng liên kết với trang thông tin điện tử của Phòng CSGT. Vì vậy, thông qua kênh thông tin này, người dân có thể tra cứu thông tin vi phạm giao thông qua hình ảnh và nộp phạt trực tuyến.

Mong rằng qua những chia sẻ về Nhận được điện thoại thông báo vi phạm giao thông có phải lừa đảo? Quý độc giả đã có cho mình nhận thức đúng đắn về thủ tục phạt nguội vi phạm giao thông, đồng thời cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Post Comment