Thursday, 2 May 2024
blog

Review Trải nghiệm mời gọi Sở hữu kỳ nghỉ của Alma

Sở hữu kỳ nghỉ có vẻ là một thuật ngữ khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam nên để có khách hàng sử dụng dịch vụ này, các công ty chủ quản thường sử dụng chiêu trò tổ chức hội thảo lấy ý kiến khách hàng về căn hộ, từ đó giới thiệu và thuyết phục những người tham gia mua loại dịch vụ này. Ngày hôm nay, Ghiền review cũng đã được mời gọi như vậy nên tranh thủ viết ngay bài review cho mọi người được biết. Nào, chúng ta cùng bắt đầu nhé.

Trong chiều ngày hôm nay, số điện thoại 028.730.01988 gọi đến cho mình xưng là Tuyền ở Công ty Paradise Bay, với nội dung tặng mình 1 voucher nghỉ dưỡng tại khách sạn 4 sao tại Hội An 2 ngày 1 đêm cho 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Voucher này hoàn toàn miễn phí và có thời hạn sử dụng 3 tháng kể từ ngày đưa cho khách hàng. Để sử dụng được voucher này, người nghe phải đến tham dự buổi hội thảo của Công ty Paradise vềviệc lấy ý kiến của các cặp vợ chồng về các yêu cầu và mong muốn của họ đối với các resort du lịch.

Với giọng nói rất nhiệt tình, cô gái tổng đài viên hỏi về độ tuổi, tình trạng hôn nhân và nghề nghiệp của mình. Để tạo thêm hấp dẫn cho câu chuyện, mình báo là mới cưới vợ và thường xuyên cùng vợ đi du lịch. Nhanh chóng nắm bắt cơ hội, cô gái ấy giới thiệu tiếp về buổi hội thảo sẽ được tổ chức vào 14h30 ngày thứ 7, tại toà nhà Techcombank, tầng 34, số 9 Hồ Tùng Mậu, Quận 1, TPHCM. Buổi hội thảo chỉ diễn ra trong vòng 60 phút và theo lời kể thì mọi người sẽ được xem 1 hình ảnh 3D về dự án nào đó, sau đó cho ý kiến trong phiếu khảo sát cũng như nhận voucher nói trên rồi đi về chứ không có một thủ tục hay điều kiện nào hết.

Ngoài ra, hội thảo yêu cầu phải có mặt cả hai vợ chồng cùng đi và phải chắc chắn đi vì mỗi lần Paradise chỉ mời 20-30 cặp đi dự hội thảo cũng như tên của vợ chồng sẽ được ghi trên voucher nên voucher không đổi cho người khác được. Mình cũng không tin tưởng lắm nên dùng kế hoãn binh là cần hỏi ý kiến bà xã cũng như xin mail hoặc số điện thoại cá nhân của bạn Tuyền tư vấn nhưng bạn né rất khéo với lý do là khi làm việc không sử dụng điện thoại và số đang gọi đến cho mình là số 1 chiều, chỉ gọi đi và không gọi đến được, do vậy bạn Tuyền nói Ghiền cứ trao đổi với vợ và 16h00, bạn sẽ gọi lại.

Sau khi kết thúc cuộc điện thoại kéo dài 7 phút, Ghiền review liền gõ Google từ khóa “Công ty Paradise” thì hơn 1,4 triệu kết quả được tìm thấy. Theo đó, Công ty Alma, Công ty Vịnh Thiên Đường và Công ty Paradise Bay đều là một công ty cung cấp dịch vụ Sở hữu kỳ nghỉ và cả ba công ty này đều bị rất nhiều người sử dụng tố cáo có hành vi lừa đảo, thậm chí có 1 fanpage được lập ra để đưa ra ý kiến về công ty này.

Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu về dịch vụ Sở hữu kỳ nghỉ mà Alma cung cấp. Đây là loại hình dịch vụ khá nổi tiếng trên thế giới với tên gọi là Timeshare, được đưa ra từ năm 1960, sau đó lan rộng khắp châu Âu và đến năm 1970 thì xuất hiện ở Mỹ. Có thể hiểu đơn giản như sau, vì chi phí để sở hữu 1 căn hộ trong khu resort quá cao đối với một gia đình nên gia đình đó có thể giảm thiểu chi phí đó bằng cách mua quyền để ở căn hộ này trong vòng 1 tuần trong năm, như vậy 52 tuần sẽ có 52 gia đình tham gia Timeshare.

Người mua dịch vụ này có quyền được đến căn hộ này mỗi năm 1 tuần, liên tục trong 30-40 năm và nếu như họ không muốn sở hữu quyền này nữa hay không muốn nghỉ ở đây thì họ có thể cho thuê, cho mượn hoặc trao đổi với những người khác cùng hệ thống Timeshare ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Nghe có vẻ thú vị nhỉ, thì đúng là thú vị mà nên trên thế giới đã có hơn 10 triệu người tham gia vào Timeshare với trên 100.000 khu nghỉ tại hơn 100 quốc gia. Ở Việt Nam cũng có tập đoàn FLC đang triển khai dịch vụ này.

Vậy còn trường hợp của Alma thì sao? Hiện nay vẫn chưa có tài liệu hay dẫn chứng nào cho thấy Alma lừa đảo vì hợp đồng của Alma là hợp đồng chuyên biệt của hình thức Timeshare nên nếu không đọc kỹ, người mua có thể bị mất tiền oan. Mặc dù vậy, vẫn có những điểm đáng nghi ngờ đối với chương trình hội thảo của Công ty này như sau:

  1. Mời tham dự hội thảo bằng cách lấy voucher miễn phí mời chào
  2. Không cho số điện thoại cá nhân và email; Điện thoại bàn chỉ gọi được 1 chiều đi.
  3. Số lượng mời hạn chế; tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân khách hàng
  4. Chào bán sản phẩm từ năm 2013, trong khi năm 2017 mới được cấp phép xây dựng resort
  5. Đến nay resort vẫn chỉ xong được phần móng thô
  6. Số tiền KH phải trả trước quá lớn (80% phí sở hữu kỳ nghỉ)
  7. Tìm mọi cách để khách hàng phải đặt cọc trước
  8. Khách hàng đòi lại tiền hoặc chuyển nhượng quyền của mình thì không cho phép.

Tóm lại, vẫn không thể nói rằng Alma lừa đảo khách hàng với hình thức “Sở hữu kỳ nghỉ” được. Tuy nhiên, để tránh tiền mất tật mang thì khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ về đối tượng, chủ đề mà mình tham gia đầu tư cũng như đọc thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng để hiểu hết về các quy định đối với hình thức mới này. Không bao giờ có ai cho không mình điều gì nên hãy cẩn trọng trước những lời mật ngọt được rót vào tai và cách đơn giản nhất để dễ dàng vượt qua những cái bẫy như vậy đó chính là hãy không có tiền như Ghiền vì không có tiền nên không thể mua hay đặt cọc được gì hết, cho nên khi bạn Tuyền gọi lại 2 lần, Ghiền đã không nghe máy. Hơi bất lịch sử một tý phải không, nhưng thôi kệ, có cái để viết là được rồi.

3.8/5 – (6 bình chọn)

Post Comment