Tuesday, 21 May 2024
blog

Tây Ban Nha vô địch và nỗi buồn của bóng đá châu Âu

Ở một trận chung kết Euro mà một bên thắng rõ (Tây Ban Nha) và một bên thua rõ (Italia) như thế, ở một trận đấu mà nhà vô địch Euro 2008 dù đã yếu hơn rất nhiều so với chính mình nhưng vẫn có thể tiếp tục lên ngôi, thì câu hỏi đặt ra là: Bóng đá châu Âu nên vui hay buồn?

Nếu không xem 90 phút chung kết Euro, mà chỉ vô tình nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của Balotelli sau đó, hẳn người ta sẽ nghĩ Italia đã thua một cách tức tưởi, thua trong đau đớn. Nhưng nếu xem đủ 90 phút, thậm chí chỉ cần 45 phút đầu tiên, thì cái cảm giác Italia thua rõ ràng, thua tâm phục khẩu phục là điều không có gì phải bàn cãi.

Ở một trận chung kết mà một bên thắng rõ và một bên thua rõ như thế, ở một trận đấu mà nhà vô địch Euro 2008 dù đã yếu hơn rất nhiều so với chính mình nhưng vẫn có thể tiếp tục lên ngôi, thì câu hỏi đặt ra là: Bóng đá châu Âu nên vui hay buồn?

Công bằng mà nói, 90 phút chung kết có thể đã không chênh lệch như thế nếu Italia không để thua bàn, từ đó vỡ luôn ý tưởng chơi bóng chỉ sau hơn chục phút bóng lăn. Và trận đấu ấy, các học trò của Prandelli có thể cũng đã tạo ra được một sự kháng cự mạnh mẽ hơn (để ít nhất cũng không phải vào lưới nhặt bóng tới 4 lần) nếu họ không mất Motta vì chấn thương trong bối cảnh đã hết quyền thay người, đồng nghĩa với việc phải đá ít hơn đối thủ 1 người trong gần nửa cuối hiệp 2.

Cầu thủ Tây Ban Nha hạnh phúc với chức vô địch Euro lần thứ 2 liên tiếp.

Nhưng đã “nếu” như thế thì cũng phải “nếu” thêm rằng: Nếu đội hình Italia dày dặn như đội hình của Tây Ban Nha, nếu HLV Prandelli  cũng có nhiều phương án tiếp cận trận đấu và cả những phương án thay thế nhân sự như HLV Del Bosque của Tây Ban Nha, thì những khó khăn mà họ đối diện đã không ập đến. Và như thế sự thực vẫn là sự thực: Tây Ban Nha mạnh hơn, đẳng cấp hơn, xứng đáng vô địch hơn, như thừa nhận của chính thủ thành Buffon sau đó.

Đường vào chung kết của Tây Ban Nha năm nay kể ra cũng đã có những sự gập ghềnh nhất định. Đó là sự gập ghềnh trong trận đấu cuối cùng tại vòng bảng trước Croatia và trận bán kết một mất một còn với Bồ Đào Nha. Cả hai trận đấu ấy, đối phương đều đổ kín người trên phần sân nhà, và khi cầu thủ Tây Ban Nha có bóng đều lập tức áp sát, “đá máu”, đá mạnh, đá rát chân. Lối chơi ấy khiến cho thứ bóng đá tiqui – taca giàu chất kĩ thuật của Tây Ban Nha bị tê liệt, và khiến cho tâm lý của phần lớn các cầu thủ Tây Ban Nha đều ít ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng rốt cuộc thì cả hai trận đấu ấy, Tây Ban Nha đều thắng, hoặc từ những khoảnh khắc lóe sáng cá nhân (trận gặp Croatia) hoặc từ những loạt sút luân lưu đòi hỏi sự cao cường về bản lĩnh (trận gặp Bồ Đào Nha).

Điều này chứng tỏ rằng một đẳng cấp vững vàng, cộng với sự ủng hộ của chút ít may mắn, rốt cuộc vẫn giúp Tây Ban Nha thoát khỏi những trận địa nhiều cạm bẫy.

Năm 2008, khi lên đỉnh vàng châu Âu, và cả năm 2010, khi lên đỉnh vàng thế giới, Tây Ban Nha đều không phải đối diện với những cạm bẫy như thế. Lý do là thời gian ấy dàn cầu thủ kĩ thuật của Tây Ban Nha như Xavi, Iniesta, Torres… đang ở vào thời kỳ sung sức nhất của sự nghiệp.

Thời gian ấy họ cũng có sự góp mặt của một thủ lĩnh Puyol vững vàng ở hàng hậu vệ cùng một “chúa nhẫn” Villa sắc sảo nơi tuyến đầu hàng công. Đến Euro năm nay, các học trò của Del Bosque đã già hơn, đã yếu hơn và đã mất đi cả hai quân bài quan trọng ấy. Một đội bóng đã yếu đi rất nhiều so với chính bản thân mình, nhưng rốt cuộc vẫn tiếp tục lên ngôi (cho dù lần lên ngôi này nhọc nhằn hơn lần trước) – đấy là một tin hiệu đáng mừng hay đáng lo?

Và cầu thủ Italia với nỗi buồn bại tướng.

Với riêng bóng đá Tây Ban Nha, đó rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng. Vì nó cho thấy đẳng cấp của nền bóng đá này và đẳng cấp của các nền bóng đá còn lại đã tồn tại một sự chênh lệch không thể phủ nhận. Nhưng với sự phát triển nói chung của bóng đá châu Âu thì đấy lại là một tín hiệu đáng lo. Lo không chỉ vì nếu Tây Ban Nha cứ hết vô địch giải này tới giải khác, thì sự nhàm chán sẽ xuất hiện, mà còn vì rốt cuộc là sau 4 năm, bóng đá châu Âu vẫn không thể sản sinh ra những con người mới, những nhân tố mới, những vũ khí mới để lật đổ một thế lực cũ vốn đã yếu đi rất nhiều.

Mà nói về cái mới thì rõ ràng là Euro năm nay không cho thấy những giá trị mới mẻ nào. Vẫn là sự thắng thế của đội hình chiến thuật 4-2-3-1, vẫn là sự nổi bật của những cái tên cũ rích như Ronaldo, Pirlo, Rooney, Xavi hay Torres… Nếu cố phải tìm ra một thứ giá trị tạm gọi là mới thì có chăng đấy là Balotelli, nhưng trận thua toàn diện của Italia trong 90 phút chung kết cùng những giọt nước mắt nghẹn đắng của chính Balotelli sau đó đã nói lên tất cả. Nó nói rằng Balotelli vẫn phải cần thêm rất, rất nhiều thời gian để hoàn thiện chính bản thân mình.

Trước trận chung kết Euro năm nay, đã có rất nhiều người, trong đó có người viết bài này kỳ vọng về một cuộc lật đổ của Italia trước Tây Ban Nha. Nhưng rốt cuộc là không có cuộc lật đổ nào hết. Để rồi bây giờ, khi Euro chính thức khép lại, thì câu hỏi: “Ai, đội bóng nào có thể lật đổ Tây Ban Nha?” vốn đã nhức nhối vang lên 4 năm về trước rốt cuộc lại vang thêm một lần nữa, thậm chí có thể là nhiều lần nữa.     

Hết Euro rồi, chắc chắn người Tây Ban Nha sẽ rất vui, nhưng phần còn lại của châu Âu sẽ rất buồn…

Tây Ban Nha và những kỷ lục… “đầu tiên”

Với chiến thắng 4-0 trong trận chung kết với Italia, Tây Ban Nha là đội đầu tiên đã ghi tới 4 bàn thắng trong một trận chung kết Euro. Kỷ lục cũ thuộc về Tây Đức khi đội bóng này đại thắng Liên Xô 3-0 tại chung kết Euro năm 1972.

Tây Ban đã trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ được chức vô địch Euro trong lịch sử tồn tại kéo dài 52 năm giải đấu này. Trước Tây Ban Nha, cả Liên Xô (tại Euro năm 1964) và Tây Đức (năm 1976) đều có cơ hội làm điều đó, nhưng đều thất bại.

Tây Ban Nha là đội bóng đầu tiên của châu Âu đoạt được 3 chức vô địch liên tiếp tại các giải bóng đá lớn trên thế giới: Euro năm 2008, World Cup năm 2010 và Euro năm 2012. Với 3 chức vô địch này, Tây Ban Nha tiếp tục chứng minh sức mạnh của  thứ bóng đá Tiqui – taca mà mình đã và đang theo đuổi.

HLV trưởng Tây Ban Nha Vicente Del Bosque là HLV đầu tiên đoạt được các chức vô địch Euro, World Cup và Champions League. Ngoại trừ những chức vô địch Euro và World Cup có được với ĐTQG, nhà cầm quân có biệt hiệu là “ngài râu kẽm” đã từng hai lần đưa CLB Real Madrid vô địch Champions League vào các năm 2000, 2002. 

Tiền đạo Toress của Tây Ban Nha là cầu thủ đầu tiên đoạt danh hiệu vua phá lưới Euro ở một mùa giải lần đầu tiên có tới 6 cầu thủ cùng ghi được 3 bàn thắng. Với bàn thắng nâng tỉ số lên 3-0 trong trận chung kết, Torres đã ghi được  tổng cộng 3 bàn thắng như Balotelli (Italia), Ronaldo (Bồ Đào Nha), Gomez (Đức), Dzagoev (Nga), Mandzukic (Croatia). Sở dĩ Toress được nhận danh hiệu vua phá lưới vì anh là người ghi 3 bàn thắng và chuyền 1 đường thành bàn, nhưng lại có thời gian xuất hiện trên sân ít nhất so với 5 người còn lại.

Ngọc Anh

HLV Prandelli: “Italia đã làm tất cả, nhưng mà…”

Chúng tôi đã cố gắng chơi bóng bằng tất cả sức lực của mình, nhưng sự thực là chúng tôi chỉ có thể chơi tốt trong khoảng 15 phút đầu trận đấu. Sự hạn chế về thể lực cùng với việc có quá nhiều vị trí bị chấn thương, đã khiến chúng tôi rơi vào thế trận của Tây Ban Nha. Nhưng khách quan mà nói, Tây Ban Nha mạnh hơn và xứng đáng giành chiến thắng hơn. Giờ chúng tôi chỉ còn biết hy vọng vào trận địa World Cup 2014 mà thôi. Hy vọng tới lúc ấy, chúng tôi sẽ hoàn hảo hơn so với bây giờ.

HLV Del Bosque: “Tây Ban Nha đang đi trên một con đường hoàn hảo…”

“Tây Ban Nha chiến thắng với tỷ số 4-0 là điều hoàn toàn xứng đáng, nhưng cũng phải nói rằng Italia đã đen đủi khi phải chơi bóng thiếu người trong nửa cuối hiệp hai. Nếu không thiếu người, có thể họ đã gây rất nhiều khó khăn cho đội bóng của tôi. Lúc này đây, tôi nhớ tới người tiền nhiệm Luis Argones của mình. Theo tôi với chức vô địch Euro 2008, Argones đã chỉ cho bóng đá Tây Ban Nha một hướng đi đúng đắn, và bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục đi trên con đường ấy. Thật hạnh phúc khi  biết rằng đấy là một con đường hoàn hảo”.

Diệp Xưa

Post Comment