Tuesday, 23 Apr 2024
blog

Thông tin đơn hàng trên Lazada bị trộm, khách vướng bẫy của kẻ lừa đảo

Việt Dũng

  –  

Thứ hai, 11/07/2022 10:12 (GMT+7)

Thông tin đơn hàng trên Lazada bị trộm, khách vướng bẫy của kẻ lừa đảo
Chiếc áo trị giá khoảng 20.000 đồng mà kẻ lừa đảo gửi cho anh Việt. Ảnh: NVCC

Bị trộm thông tin, vướng bẫy lừa đảo

Ngày 8.7 vừa qua, khi kiểm tra đơn hàng trị giá 330.000 đồng, anh Nguyễn Văn Việt (quận Hà Đông, Hà Nội) mới ngã ngửa vì bị lừa đảo.

Bên trong gói hàng là một chiếc áo thun mỏng, trị giá khoảng 20.000 đồng, thay vì 5 chiếc áo anh đặt trên sàn thương mại điện tử Lazada. Lúc này anh Việt kiểm tra, đơn hàng thực sự vẫn trong tình trạng “chờ vận chuyển”.

Liên hệ với Lazada, sau khi trình bày, anh được nhân viên đề nghị chụp lại đơn hàng “để kiểm tra”. Hôm sau, phía Lazada cho biết đơn hàng “không liên quan” đến họ.

“Điều tôi cần họ trả lời là vì sao thông tin đơn hàng bị kẻ gian trộm. Lỗi từ Lazada hay từ shop làm lộ lọt thông tin”, anh Việt chia sẻ.

Tiếp đó, anh liên lạc với đơn vị vận chuyển là Giao hàng nhanh. Anh Việt cũng cho họ biết bị kẻ gian lừa đảo và nêu ý kiến phía Giao hàng nhanh cần làm rõ kẻ giao đơn hàng này là ai.

Theo tìm hiểu, anh Việt biết được nhân viên của Giao hàng nhanh nhận đơn hàng ở số 48 Tố Hữu, Hà Nội (trong khi shop bán 5 áo phông ở tận Bình Định) và có cả số điện thoại cùng tên của shop là Fenuary.

“Nhân viên tổng đài của Giao hàng nhanh cho biết, không giúp được gì và bảo tôi báo với cơ quan chức năng”, anh Việt cho hay khi anh đề nghị phía Giao hàng nhanh không chuyển khoản cho kẻ lừa đảo.

Điều anh mong muốn là phía vận chuyển cần phải làm rõ người giao hàng cho nhân viên của họ là ai hoặc khi chuyển khoản tên chủ tài khoản là ai để có biện pháp giúp khách hàng bị lừa đảo, chứ không thể “vô trách nhiệm” chỉ biết nhận và giao như vậy.

Trên đơn hàng của kẻ lừa đảo gửi cho cả tên shop ghi Fenuary (góc trái trên cùng). Ảnh: NVCCTrên đơn hàng của kẻ lừa đảo gửi cho cả tên shop ghi Fenuary (góc trái trên cùng). Ảnh: NVCC

Tương tự, trường hợp của chị H, ở Hà Nội xảy ra mới. Sau khi nhận hàng và trả tiền cho đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị phát hiện sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà đã đặt.

Ngay lập tức chị đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn thương mại điện tử thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi.

Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của chị đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nâng cao cảnh giác khi nhận đơn hàng

Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), khách hàng có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính, trừ trường hợp người vi phạm đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường cũng cho biết, trong vụ việc này, khách hàng giao dịch với sàn thương mại điện tử thì bị lộ lọt thông tin nên có đối tượng mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc xử lý của nhân viên sàn thương mại điện tử với khách hàng là không tế nhị, thậm chí là thiếu trách nhiệm gây bức xúc cho khách hàng.

Trong vụ việc này phía bên bán hàng và cơ quan chức năng cần làm rõ thông tin bị lộ như thế nào, từ đó tìm các giải pháp khắc phục. Đồng thời làm rõ đối tượng đã sử dụng thông tin trong giao dịch đó để chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Cường, để xảy ra những vụ việc như vậy thì bên bán sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại cho khách hàng. Bởi vậy để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì bên bán cần làm rõ nguyên nhân sự việc để có hướng giải quyết tích cực, cung cấp dịch vụ bán hàng tốt hơn cho khách hàng.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Hà Nội cho biết, để phòng tránh rủi ro, người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội…

Trong khi đó, nhân viên của một đơn vị giao hàng cho hay, khách mua cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi tình trạng đơn hàng. Điều quan trọng là khi nhận hàng phải đối chiếu với mã vận đơn của shop đã đặt trên trang thương mại.

Trước tình trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công thương cũng đã khuyến cáo người dân về thủ đoạn lừa đảo này. Cục yêu cầu các website thương mại điện tử và các đơn vị hỗ trợ vận chuyển rà soát lại quy trình giao hàng và xác nhận đơn hàng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. 

Post Comment