Thursday, 28 Mar 2024
blog

Triển vọng cổ phiếu VPB (VPBank) năm 2022: Tăng trưởng cao trên nền vốn mạnh, giá mục tiêu 46.200 đồng/cp

  • Năm 2021, VPB công bố LNTT hợp nhất đạt khoảng 14.580 tỷ đồng (+12% YoY), hoàn thành 88% kế hoạch cả năm, với ngân hàng mẹ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong khi mảng tài chính tiêu dùng tín chấp tại FEC chật vật trong nửa cuối năm. Trong đó, LNTT của ngân hàng mẹ tăng 50% YoY lên 14.011 tỷ đồng (đã loại trừ các khoản thu nhập một lần) và LNTT của FE Credit (FEC) rơi 84% YoY xuống 610 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng mẹ đóng góp 96% và FC góp 4% vào tổng LNTT của VPB.
  •  
  • Sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn vốn chủ sở hữu nhờ bán 50% FEC cuối năm 2021 và phát hành riêng lẻ 15% trong 1H2022 mặc dù sẽ hỗ trợ tốt cho tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn tạo áp lực tạm thời lên tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong năm nay so với mức thấp của năm 2021.
  •  
  • Với việc điều chỉnh nâng kỳ vọng tăng trưởng của ngân hàng mẹ đồng thời giảm tại FEC dựa trên tình hình hoạt động Q4, kết hợp đưa vào mô hình dự phóng thương vụ phát hành riêng lẻ 15% dự kiến hoàn tất trong Q2/2022, ước tính LNTT hợp nhất năm 2022 ​​đạt 826 tỷ đồng (+27%), trong đó LNTT của ngân hàng mẹ là 19.013 tỷ đồng (-50% hay +36% nếu xét trên lợi nhuận cốt lõi) và của FEC là 2.167 tỷ đồng (+255%). Sang năm 2023, tăng trưởng tín dụng cao sẽ vẫn duy trì trong khi NIM phục hồi và chi phí tín dụng giảm trên nền tảng tăng trưởng kinh tế trở lại mức trước dịch bệnh, chúng tôi kỳ vọng LNTT hợp nhất ​​đạt 26.585 tỷ đồng (+34%), trong đó LNTT ngân hàng mẹ là 25.498 tỷ đồng (+34%) và của FE Credit là 3.622 tỷ đồng (+67%). Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu lần lượt là 23.001 đồng cho năm 2022 và 23.010 đồng cho năm 2023.
  •  
  • Giá mục tiêu, đã tính đến yếu tố pha loãng sau đợt phát hành, được điều chỉnh từ 42.800 đồng/cổ phiếu lên 46.200 đồng/cổ phiếu. So sánh mức P/B dự phóng cuối năm 2022 và cuối năm 2023 là 1,7x và 1,5x với mức P/B hiện hành là 2,0x, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu VPB đang có định giá khá hấp dẫn.
  •  
  • Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị MUA cổ phiếu VPB.

Năm 2021 – Ngân hàng mẹ tăng trưởng cao trên nền tảng chất lượng tài sản được củng cố; FEC nặng gánh dự phòng

Loại trừ thu nhập thu nhập từ bán 50% FEC 20.352 tỷ đồng (trước thuế), trong Q4, LNTT ngân hàng mẹ đạt 7.206 tỷ đồng, tăng 132% YoY và 145% QoQ trong khi FEC lỗ 296 tỷ đồng. Cả năm, LNTT NH mẹ đạt 14.011 tỷ đồng, +50% trong khi FEC đạt 610 tỷ đồng, -84%. Diễn biến lợi nhuận trái ngược nhau tại ngân hàng mẹ và FEC do sự khác biệt về chất lượng tài sản. Theo tỷ trọng, ngân hàng mẹ đóng góp 96% vào tổng LNTT của VPB, so với 71% năm 2020.

Cả năm, tín dụng của ngân hàng mẹ tăng 20,2% Ytd và tăng 8,6% trong Q4, tập trung vào bán lẻ và SME. Phân khúc bán lẻ tăng trưởng cao trên quan điểm thận trọng với tăng trưởng giải ngân 38% Ytd và cho vay có TSĐB tăng 70% Ytd. Các con số này ở mảng cho vay SME lần lượt là 35% Ytd và 40% Ytd. Phân theo ngành, dư nợ cho vay cá nhân mua bất động sản tăng 50%, vượt trội so với mức tăng 27% của tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tín dụng của FEC tăng 14,2% Ytd và phục hồi mạnh 21% trong Q4. Tỷ trọng của FEC trong tín dụng hợp nhất đã tăng từ 17,9% lên 19,6% trong Q3 nhưng thấp hơn mức 20,5% của năm 2020.

Huy động hợp nhất năm 2021 tăng 24,1% Ytd, hay 9,2% trong Q4, trong đó huy động của ngân hàng mẹ tăng 27,3% Ytd (8,3% trong Q4). Liên ngân hàng và giấy tờ có giá tiếp tục là nguồn vốn chính giúp giảm chi phí huy động. Huy động liên ngân hàng tăng 103% Ytd tương đương 16,7 nghìn tỷ đồng so với Q3. Giấy tờ có giá tăng 29,4% Ytd, tương đương 13,1 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi chỉ tăng 3,6% YTD trong Q4 từ 2,5% YTD trong Q3.

NIM hợp nhất thu hẹp từ 8,79% cuối năm 2020 và 9,39% cuối Q3 về 8,1% do NIM FEC tiếp tục chịu áp lực bởi tăng trưởng huy động cao trong Q4, giảm từ 27,2% cuối năm 2020 và 24,2% cuối Q3 về 21,1%. Trong khi đó, NIM của ngân hàng mẹ phục hồi từ 4,9% cuối Q3 về 5,3% nhờ được hỗ trợ bởi tăng trưởng cao cho vay bán lẻ và SME cùng với tăng trưởng CASA và các nguồn vốn phi khách hàng. Tuy vậy, NIM của ngân hàng mẹ vẫn thấp hơn mức 5,5% cuối năm 2020. Cả năm, thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng 6,2%, tại ngân hàng mẹ tăng 29,4% và tại FEC giảm 13,1%.

Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 49% YoY, dẫn dắt bởi thu nhập dịch vụ tăng 21%, kinh doanh chứng khoán tăng 169% và lãi từ hoạt động khác tăng 26%, chủ yếu nhờ thu hồi nợ tích cực tại FE Credit. Trong thu nhập dịch vụ, các thay đổi về chiến lược tiếp cận khách hàng theo từng phân khúc tạo động lực tăng thu nhập ở mảng thanh toán và thẻ và dịch vụ khác (liên quan đến phí tài khoản) tăng 35%. Mảng bảo hiểm tăng tốc về doanh thu phí bảo hiểm trong Q4 so với Q3 nhưng thu nhập bancassurance cả năm giảm 18,5% do dịch bệnh khiến ngân hàng không thể hoàn thành chỉ tiêu doanh số bảo hiểm tối thiểu để nhận hoa hồng bổ sung như năm 2020.

CIR hợp nhất đạt 24,4%, đi ngang so với Q3 nhưng cải thiện so với 29,3% cuối năm 2020, do sự đóng góp nhiều hơn của ngân hàng mẹ (vốn có CIR thấp hơn FEC) vào hoạt động kinh doanh tổng thể. Tuy nhiên, CIR của ngân hàng mẹ và FEC đều tăng so với Q3 khi các hoạt động hỗ trợ kinh doanh được đẩy mạnh trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Chất lượng tài sản ngày càng nâng cao tại ngân hàng mẹ và tốt hơn kỳ vọng  

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng lên 4,5% từ 4% cuối Q3 và là mức cao nhất từ khi đại dịch bắt đầu, chủ yếu do độ trễ tác động của dịch bệnh đối với chất lượng tài sản của FEC. Mặc dù vậy, điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu hình thành đã giảm tại cả ngân hàng mẹ và FEC.

Chất lượng tài sản của ngân hàng mẹ cải thiện từ mức ổn định trong Q3 với tỷ lệ nợ xấu (trên cho vay khách hàng) giảm từ 2,3% về 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2015 nhờ khách hàng phục hồi và tăng cường xóa nợ. Trong năm, ngân hàng mẹ cũng đã nâng cao chất lượng cho vay mới với tỷ lệ cho vay không có TSĐB giảm từ 13% cuối năm 2020 về 11,8% cuối năm 2021.

Các chỉ số chất lượng tín dụng tại FE Credit tiếp tục suy yếu với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 11% cuối Q3 lên 13,6% do giảm xóa nợ trong Q4 sau khi đẩy mạnh trong Q2 và Q3. Tổng nợ cơ cấu tăng thêm 200 tỷ đồng so với Q3 lên 16,1 nghìn tỷ đồng, gồm 11,3 nghìn tỷ đồng (tăng 800 tỷ đồng) của ngân hàng mẹ và 4,8 nghìn tỷ đồng (giảm 700 tỷ đồng) của FE Credit.

Trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu đạt 1.176 tỷ đồng (~30% tổng dự phòng phải trích theo lộ trình của Thông tư 03). Tỷ lệ chi phí tín dụng hợp nhất giảm nhẹ so với mức 6% của Q3 về 5,9% nhưng vẫn cao hơn mức 5,3% cuối năm 2020.

Dự phóng năm 2022 và 2023 – Tăng trưởng tín dụng cao trên nền vốn mạnh

Nhìn chung, LNTT Q4 không đạt kỳ vọng do NIM của FEC thấp hơn kỳ vọng và chi phí trích lập dự phòng ở cả ngân hàng mẹ và FEC cao hơn kỳ vọng. Do sự cải thiện vượt kỳ vọng về chất lượng tài sản của VPB so với FEC, chúng tôi điều chỉnh dự phóng nhằm phản ánh các yếu tố này. Theo đó, ngân hàng mẹ sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận vào năm 2022.

Nền vốn mạnh (hệ số CAR ngân hàng mẹ 14,2% cuối năm 2021, cao hàng đầu trong số các ngân hàng chúng tôi theo dõi) sẽ đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng tín dụng cao 22% trong khi áp lực huy động thấp tại ngân hàng mẹ, trên nền tảng thanh khoản và bộ đệm vốn hàng đầu, là kết quả của dòng vốn mới từ bán một phần FE Credit và phát hành riêng lẻ 15% sẽ hoàn thành trong 1H2022. Chúng tôi kỳ vọng việc phát hành riêng lẻ có thể mang về cho ngân hàng mẹ khoảng 28.500 tỷ đồng.

NIM hợp nhất 2022 giảm 26 điểm cơ bản trên cơ sở tăng trưởng tín dụng của NH mẹ cao hơn FEC, mặc dù NIM của NH mẹ và FEC gần như đi ngang. Chúng tôi điều chỉnh giảm tăng trưởng về NIM so với dự phóng trước đây trên cơ sở cân nhắc các diễn biến mới về tình hình quốc tế có thể gia tăng áp lực lạm phát trong nước, bên cạnh áp lực cạnh tranh về lãi suất cho vay sẽ mạnh hơn trong năm 2022. Chúng tôi tin các áp lực này sẽ được bù đắp bởi việc ghi nhận lãi thoái thu khi khách hàng phục hồi, cùng với chi phí vốn tại ngân hàng mẹ giảm nhờ nguồn vốn tự có dồi dào, 300 triệu USD vốn tài trợ quốc tế ưu đãi nhận cuối T10/2021 trong khi 300 triệu USD trái phiếu quốc tế phát hành năm 2019 với lãi suất 6,25%/năm sẽ đáo hạn vào T7/2022. Theo đó, dự báo NII hợp nhất có thể tăng 21%.

Thu nhập ngoài lãi nhích nhẹ 1,2%. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ tăng 27%. Thu từ thanh toán và thẻ được dẫn dắt bởi ngân hàng số. Mảng bancassurance sẽ phục hồi theo đà tăng tín dụng và chiến lược bán hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng thu nhập cao. Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán giảm dựa trên giả định LS TPCP tăng trở lại theo diễn biến lạm phát.

VPB đã công bố kế hoạch tăng vốn tại công ty chứng khoán ASC sau khi hoàn tất mua lại trong năm 2021. Công ty chứng khoán này sẽ cung cấp các dịch vụ môi giới, cho vay và ngân hàng đầu tư cho các khách hàng của VPB, giúp đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường lòng trung thành của khách hàng. Dự phóng của chúng tôi hiện chưa tính đến phần đóng góp của mảng này cho đến khi ngân hàng công bố thêm thông tin về kế hoạch sử dụng vốn.

CIR năm 2022 khó cải thiện mạnh do tăng chi cho các chương trình hỗ trợ kinh doanh và quảng cáo đã tạm hoãn trong năm 2021 khi tình hình hoạt động gặp khó khăn. Chúng tôi giả định CIR hợp nhất chỉ giảm 50 điểm cơ bản về 21,7%.

Chất lượng tài sản hợp nhất tiếp tục cải thiện nhờ ngân hàng mẹ. Rủi ro nợ xấu giảm giúp ngân hàng cải thiện chi phí tín dụng về 4,9% trên tổng dư nợ, so với 5,9% năm 2021.

Ước tính LNTT Q1/2022 có thể tăng trưởng khoảng 15-20% YoY. Sang Q2 ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng âm trên nền cao cùng kỳ (nhờ thu nhập từ kinh doanh chứng khoán). Điểm rơi tăng trưởng lợi nhuận có thể đến trong 2H2022 trên nền thấp của 2H2021.

Tổng hợp, LNTT hợp nhất năm 2022 ​​có thể đạt 19.826 tỷ đồng (+27%), trong đó LNTT của ngân hàng mẹ là 19.013 tỷ đồng (-50% hay +36% nếu xét trên lợi nhuận cốt lõi) và của FEC là 2.167 tỷ đồng (+255%). Sang năm 2023, tăng trưởng tín dụng cao sẽ vẫn duy trì trong khi NIM phục hồi và chi phí tín dụng giảm trên nền tảng tăng trưởng kinh tế trở lại mức trước dịch bệnh, chúng tôi kỳ vọng LNTT hợp nhất ​​đạt 26.585 tỷ đồng (+34%), trong đó LNTT ngân hàng mẹ là 25.498 tỷ đồng (+34%) và của FE Credit là 3.622 tỷ đồng (+67%).

Cập nhật ngày 21/12/2021: Giá mục tiêu từ 37.200 đồng/cổ phiếu lên 42.800 đồng/cổ phiếu

Trong Q3, ngân hàng mẹ duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong khi FE Credit ghi nhận thua lỗ.

  • Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và người lao động thu nhập thấp sẽ phục hồi chậm hơn so với các nhóm khác, dẫn đến các điều chỉnh về NIM và chi phí tín dụng ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Dự báo cập nhật cũng bao gồm các yếu tố mới có thể giúp ngân hàng mẹ cải thiện biên NIM trong các quý tiếp theo, bao gồm lợi nhuận từ thoái vốn một phần tại FE Credit và khoản vay hợp vốn ưu đãi nhận được vào cuối tháng 10 trong khi trái phiếu quốc tế phát hành năm 2019 với lãi suất cao sẽ đáo hạn vào năm 2022.
  •  
  • LNTT hợp nhất năm 2021 dự kiến ​​đạt 17.181 tỷ đồng (+32%), trong đó LNTT của FE Credit là 1.136 tỷ đồng (-69%). Năm 2022, LNTT hợp nhất dự kiến ​​đạt 21.874 tỷ đồng (+27%), trong đó LNTT của FE Credit là 2.518 tỷ đồng (+121%). Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu lần lượt là 15.846 đồng cho năm 2021 và 19.255 đồng cho năm 2022.
  •  
  • Giá mục tiêu được điều chỉnh từ 37.200 đồng/cổ phiếu lên 42.800 đồng/cổ phiếu. Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị MUA VPB với tổng mức sinh lời là 21%.

 

 

Q3/2021 – Lợi nhuận tăng trưởng cao tại ngân hàng mẹ so với hoạt động khó khăn của FE Credit trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt

Tác động của đại dịch lên NIM, tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản trong Q3 nghiêm trọng hơn dự kiến, chủ yếu tại FE Credit, dẫn đến kết quả hợp nhất thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi.

LNTT hợp nhất quý 3 đạt 2.698 tỷ đồng (-4% YoY) với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm trong khi chi phí dự phòng tăng mạnh. NII giảm 5,2% YoY xuống 7.474 tỷ đồng, NFI giảm 16% YoY xuống 791 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng 29% YoY lên 4.900 tỷ đồng. Chi phí hoạt động (OPEX) được kiểm soát chặt chẽ với hệ số CIR giảm xuống 24% so với 31% trong Q3/2020 và 25% trong Q2/2021. FE Credit lỗ 256 tỷ đồng do tín dụng tăng trưởng âm, NIM giảm mạnh và chi phí dự phòng tăng mạnh. Xóa nợ trong Q3 đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tại FE Credit, còn tại ngân hàng mẹ là 1,2 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng mẹ duy trì tăng trưởng cao

Mặc dù giảm 13% QoQ nhưng NII lại tăng 20% ​​YoY nhờ NIM và tín dụng mở rộng. NIM giảm 100 bps theo quý xuống 4,9% nhưng cao hơn 20 bps so với Q3/2020. Tín dụng tăng 11,6% Ytd, tương đương 13,9% YoY. Huy động từ khách hàng (tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) tăng nhẹ 3,7% Ytd và 0,3% YoY. Huy động phi khách hàng tăng 71% Ytd và 89% YoY, trong đó nguồn vốn liên ngân hàng tăng 162% YoY và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Điều này cùng với tỷ lệ CASA tăng mạnh từ 15,6% trong Q3/2020 lên 22,1%, giúp COF giảm 190 bps YoY xuống 3,6%. Điều này đã phần nào giúp NIM không bị sụt giảm trong khi lợi suất tài sản giảm 150 bps YoY xuống còn 8,3%. Thu nhập ngoài lãi vẫn tăng trưởng mạnh 42% YoY, chủ yếu nhờ thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi NFI giảm nhẹ 3% YoY và 24% QoQ.

Chi phí hoạt động, đại diện bởi hệ số CIR (TTM), giảm xuống 20,2%, so với 22% trong quý 2/2021 và 31% trong quý 3 năm 2020. Điều này nhằm tạo điều kiện cho chi phí dự phòng tăng cao (+43% YoY, +13% QoQ) để hấp thụ các tác động tiêu cực của đợt dịch thứ tư lên chất lượng tài sản.

Tổng hợp, LNTT tăng 46% YoY. ROA (TTM) và ROE (TTM) duy trì ở mức cao là 3,8% và 29,7% trong quý 2/2021. Loại trừ thu nhập nhận được từ FE Credit trong Q2/2021, ROA và ROE vẫn ở mức cao lịch sử như trong Q2, cụ thể là 3% và 23,9% do ngân hàng đã tận dụng tất cả các nguồn tạo thu nhập bao gồm tối ưu hóa cơ cấu bảng cân đối kế toán, chênh lệch lãi suất cũng như thu nhập đầu tư.

FE Credit gặp khó khăn về nhiều mặt

Mảng tín dụng tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong Q3, dẫn đến khoản lỗ 256 tỷ đồng. Khách hàng có thu nhập thấp là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Công ty gặp khó khăn về nhiều mặt, bao gồm cho vay đình trệ, NIM giảm mạnh và chi phí dự phòng tăng cao.

Tín dụng giảm 5,5% Ytd và 3,4% YoY. Các lệnh giãn cách xã hội ở các thành phố lớn (TP. HCM và Hà Nội) đã kìm hãm cả hoạt động cho vay mới và thu nợ. NIM giảm 320 bps Ytd xuống 24,2% mặc dù COF giảm 80 bps Ytd xuống 7,4%. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 11%, so với 6,9% vào cuối Q3/2020 và 6,6% vào cuối năm 2020. Đa số khách hàng bị mất việc làm hoặc bị giảm lương. Điều này ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của họ, cuối cùng làm tăng nợ xấu và làm suy yếu chất lượng tài sản. Chi phí dự phòng tăng 29% YoY. Tương tự đối với ngân hàng mẹ, chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ với hệ số CIR 28,4%, thấp hơn mức 29,7% vào cuối Q3/2020.

Sau 9T2021, ngân hàng hợp nhất đã hoàn thành 70% kế hoạch LNTT năm 2021, với 93% là đóng góp của ngân hàng mẹ.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng mạnh lên 4% từ 3,5% trong Q2. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 7,7% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng hầu như không thay đổi. Chất lượng tài sản của ngân hàng mẹ vẫn ổn định với tỷ lệ nợ xấu (trên các khoản cho vay khách hàng) và tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng tăng nhẹ so với quý 2/2021 nhưng thấp hơn nhiều so với các năm trước. Các chỉ số chất lượng tín dụng tại FE Credit tiếp tục suy yếu với tỷ lệ nợ xấu là 11%; nợ nhóm 2 là 17,7%. Một điểm tích cực cần lưu ý là ngân hàng đã đẩy nhanh việc trích lập dự phòng trong quý 3, nâng tỷ lệ bảo phủ nợ xấu lên 64% (từ 58% trong quý 2) tại ngân hàng mẹ và 36% (từ 32% trong quý 2) tại FE Credit. Tổng nợ cơ cấu tăng 2,4 lần so với quý 2 lên 15,9 nghìn tỷ đồng (~ 4,12% tổng dư nợ hợp nhất). Trong đó, dư nợ cơ cấu của ngân hàng mẹ là 10,5 nghìn tỷ đồng (~ 3,7% dư nợ cho vay) và của FE Credit là 5,4 nghìn tỷ đồng (~ 8,6% dư nợ cho vay).

Triển vọng 2021/2022

Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và người lao động thu nhập thấp sẽ phục hồi chậm hơn so với các nhóm khác, dẫn đến các điều chỉnh về NIM và chi phí tín dụng ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Dự phóng cập nhật cũng bao gồm các yếu tố mới có thể giúp ngân hàng mẹ phục hồi biên NIM trong các quý tới, bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn 50% tại FE Credit (ước tính 26 nghìn tỷ đồng sau thuế) sẽ được ghi nhận vào Q4 / 2021, và khoản cho vay hợp vốn ưu đãi tổng trị giá 300 triệu USD mà VPB nhận được trong tháng 10/2021 trong khi 300 triệu USD trái phiếu quốc tế của chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) phát hành năm 2019 với lãi suất 6,25%/năm sẽ đáo hạn vào năm 2022.

Theo đó, NIM hợp nhất (TTM) dự kiến ​​đạt 8,2% vào cuối năm 2021, thấp hơn mức 8,4% trong Q3 do tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ cao hơn so với FE Credit trong Q4. Tỷ lệ chuyển nhóm nợ tại ngân hàng mẹ và FE Credit có dấu hiệu phục hồi kể từ tháng 9, sau khi Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch được ban hành và trạng thái “bình thường mới” từ tháng 10, dẫn đến giả định tỷ lệ chi phí tín dụng của chúng tôi là 5,4% cho năm 2021. LNTT hợp nhất dự kiến ​​đạt 17.181 tỷ đồng (+32%), trong đó LNTT của FE Credit là 1.136 tỷ đồng (-69%).

Trong năm 2022, chi phí vốn thấp tiếp tục là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thu nhập lãi thuần. Kết hợp với sự phục hồi trong hoạt động cho vay và thu nợ, NIM có thể tăng 51 bps lên 8,7% và tín dụng có thể tăng 20% ​​tại ngân hàng mẹ và 8% tại FE Credit, với giả định không có giãn cách xã hội quy mô lớn như trong quý 3/2021. Thu nhập dịch vụ sẽ phục hồi 28% YoY. Thu nhập từ đầu tư chứng khoán sẽ không còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng, do đó có thể giảm 46% YoY. Tỷ lệ chi phí tín dụng sẽ cải thiện về 5%. LNTT hợp nhất dự kiến ​​đạt 21.874 tỷ đồng (+27%), trong đó LNTT của FE Credit là 2.518 tỷ đồng (+121%).

Dự báo của chúng tôi không tính đến các yếu tố khác có khả năng hỗ trợ tích cực cho việc định giá cổ phiếu bao gồm vốn nhận được từ đợt phát hành riêng lẻ 15% cho đối tác chiến lược và hoa hồng cao hơn từ việc đàm phán lại hợp đồng phân phối bảo hiểm của VPB với AIA.

 

Cập nhật ngày 25/6/2021: Ngân hàng VPBank (VPB) nói gì về lợi nhuận tăng vọt giữa bão Covid-19?

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ 6 tháng là 9.944,7 tỷ đồng, tăng 196,7% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận hợp nhất kỳ này đạt 7.218,1 tỷ đồng, tăng 37,1%.

vpbank nói gì về lợi nhuận tăng vọt giữa bão covid-19?

 

Trong văn bản giải trình do Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh ký cho biết, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và cả hợp nhất 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ là do thu nhập lãi thuần riêng lẻ tăng 2.906 tỷ đồng (tăng 42,4%) và thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng 2.629,7 tỷ đồng (tăng 16,7%) chủ yếu do thu nhập lãi cho vay của riêng ngân hàng mẹ tăng 1.492,5 tỷ đồng trong khi chi phí lãi giảm 1.716,6 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí trả lãi tiền gửi giảm 1.724,2 tỷ đồng, chi phí trả lãi tiền vay cũng giảm 1.58,4 tỷ đồng.

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, các mảng khác cũng có kết quả tăng mạnh: Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ riêng lẻ và hợp nhất tăng lần lượt 27,6% và 49,9%; Thu nhập thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng 165,89%; Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng rất mạnh 3.599 tỷ đồng do chuyển lợi nhuận từ công ty con về ngân hàng mẹ (lợi nhuận này được loại trừ khi hợp nhất báo cáo tài chính)…

Như vậy, xét về đóng góp vào lợi nhuận của VPBank, đứng đầu là lợi nhuận của công ty con, sau đó đến phần lợi nhuận đến từ huy động vốn lãi suất thấp rồi cho vay ra với lãi suất cao.

Riêng về đóng góp của công ty con, đầu quý II vừa qua, VPBank đã bán đi 49% vốn của FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn.

Trước đây, FE Credit đóng góp gần 50% tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank nhưng vài năm gần đây tỷ lệ này đã giảm mạnh. Ước tính tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận VPBank trong nửa đầu năm 2021 chỉ còn khoảng 12%.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của FE Credit chỉ đạt 1.200 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, FE Credit đã giải ngân 28 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với 37 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng FE Credit là 61,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, dư nợ cho vay tổ chức là 4,7 nghìn tỷ, cho vay khách hàng hiện hữu là 34,7 nghìn tỷ và khách hàng mới là 21,9 nghìn tỷ.

Đáng chú ý, biên lãi ròng chỉ còn 26,9%, mặc dù cao gấp khoảng 5 lần biên lãi ròng trung bình các ngân hàng hiện nay (4-5%) nhưng thấp hơn đáng kể so với 29,1% cùng kỳ năm 2020 và 30,5% cùng kỳ năm 2019 của chính FE Credit. Điều này cũng khiến doanh thu của FE Credit thời gian gần đây liên tục đi ngang. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của. FE Credit đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, nhỉnh hơn không đáng kể so với 8,7 nghìn tỷ cùng kỳ năm 2019, 2020.

Báo cáo đánh giá mới đây của Trung tâm phân tích đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research, năm 2021, SSI ước tính ngân hàng mẹ VPBank (không bao gồm cổ tức của FE Credit) và FE Credit sẽ đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt là 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 45%) và 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20%).

Cuối tháng 6, thị trường xôn xao trước thông tin VPBank tăng lương từ kỳ tính lương tháng 7, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch, sau khi ngân hàng này đạt được kết quả kinh doanh khả quan năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Năm 2020, thu nhập bình quân nhân viên VPBank đạt hơn 28 triệu đồng/người/tháng.

Post Comment