Tuesday, 14 May 2024
blog

Từ 01/01/2022 thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân có thể bị phạt lên đến 06 triệu đồng – TPLAW

Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, Nghị định 144/2021/NĐ-CP có nhiều điểm rất đáng được chú ý, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm lên đến 06 triệu đồng trong trường hợp thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc thế chấp/cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân diễn ra ngày càng phổ biến.

Như chúng ra đều biết, Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân (sau đây gọi là “CMND/CCCD”) là một loại giấy tờ xác nhận về nhân thân do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một công dân khi đạt đến độ tuổi mà luật định về những đặc điểm nhận dạng riêng, và các thông tin cơ bản của một cá nhân được sử dụng để xuất trình trong quá trình đi lại cũng như thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Hiểu được tầm quan trọng của CMND/CCCD với mỗi cá nhân, nhiều dịch vụ “biến tướng” liên quan đến loại giấy tờ này xuất hiện ngày càng rầm rộ từ làm giả đến thế chấp, cầm cố CMND/CCCD. Theo phản ánh của một số các chủ hiệu cầm đồ trên địa bàn TP.HCM thì “vật” được cầm cố nhiều nhất tại các cửa hiệu cầm đồ chính là CMND/CCCD. Thậm chí, chỉ cần gõ cụm từ “Cầm cố chứng minh nhân dân” lên Google, chỉ trong 0,46 giây đã có hơn 21 triệu bài viết liên quan đến chủ đề này xuất hiện.

Trước đây, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 chỉ quy định mức phạt với trường hợp thế chấp CMND mà không có quy định mức phạt với hành vi cầm cố, nhận cầm cố CMND/CCCD. Tuy nhiên, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 thì cả hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố CMND/CCCD đều có thể bị xử phạt lên đến 06 triệu đồng. Cụ thể:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định:

“4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  2. b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
  3. c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

        …”

Không những vậy, theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP trường hợp vi phạm quy định về thế chấp, cấm cố, nhận cầm cố CMND/CCCD thì người cầm cố, người nhận cầm cố CMND/CCCD còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được nhờ thực hiện hành vi vi phạm hành chính đó.

Như vậy, Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã lấp “lỗ hổng” về vấn nạn thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố CMND/CCCD xảy ra rất phổ biến suốt nhiều năm nay. Việc đề xuất một mức phạt khá cao (lên đến 06 triệu đồng) như quy định trên đối với người cầm cố và người nhận cầm cố CMND/CCCD được cho là cần thiết và phù hợp để xử lý hành vi vi phạm này.

Trên đây là một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn theo thông tin sau:

E-mail: [email protected] hoặc điện thoại: 028. 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.

TSLS Lưu Thị Ngọc

Post Comment