Wednesday, 1 May 2024
blog

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền qua việc hứa hẹn xin việc làm cơ quan nhà nước

 

Một hình thức lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người là nạn nhân của loại tội phạm này. Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu bài lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin để chiếm đoạt tài sản.

Ngày 17/8/2022 Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Sa Thầy cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Y. N sinh năm: 1988, trú tại Sa Thầy về tội “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2021 đến thời điểm bị bắt, N đã nói với nhiều người về việc mình có nhiều mối quan hệ và có thể xin việc vào các cơ quan như Công an, Quân đội hoặc các cơ quan Nhà nước khác với số tiền xin việc dao động từ 30 đến 150 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên N đã chiếm đoạt của ông A. Strú tại xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy số tiền 150.000.000đ để xin việc cho con trai ông S vào ngành công an, sau khi nhận đủ tiền N không thực hiện việc xin việc như đã hứa mà sử dụng số tiền đó vào mục đích tiêu xài cá nhân. Do bị hỏi về tiến độ xin việc nên N đã làm giả quyết định tuyển dụng và đưa cho ông A. S.

Đối tượng Y.N

Cũng bằng thủ đoạn tương tự, cách đây 03 năm vào tháng 9 năm 2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tumđã bắt tạm giam và khám xét nơi ở của Nguyễn Xuân T (64 tuổi, trú tạiĐăk Hà-Kon Tum) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.Theo đó, trong gần 10 năm từ 2009 đến 2018, để phục vụ mục đích lấy tiền tiêu xài cá nhân, T đã “nổ” là có quen nhiều biết rộng nên có thể lo vào biên chế trong ngành công an.Sau đó T yêu cầu những người có nhu cầu đưa tiền để chạy việc. Bằng thủ đoạn trên, T đã chiếm đoạt số tiền hơn 700 triệu đồng.Sau một thời gian dài chờ đợi, đến năm 2019, không thấy T thực hiện các nội dung như đã thỏa thuận và cũng không trả lại tiền nên các bị hại ở các tỉnh Kon Tum, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh đã có đơn tố giác đến Cơ quan Công an.

Trên đây là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo thông qua hình thức xin việc. Với các vụ lừa đảo “chạy việc”,để thực hiện hành vi, các đối tượng đã đưa ra các thông tin là có nhiều mối quan hệ, quen biết với các lãnh đạo, người nhà lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước… để khuếch trương thanh thế, tạo sự tin tưởng. Khi người dân không tìm hiểu kỹ sẽ trở thành “con mồi” của các đối tượng nêu trên. Phần lớn các vụ lừa đảo sau khi nhận tiền của nạn nhân, đối tượng sẽ kiếm các lý do để thoái thác trách nhiệm. Nhiều đối tượng sau khi nhận tiền đã thay đổi nơi cư trú, đổi số điện thoại…

Có thể thấy, hành vi chi tiền để xin việc không chỉ có nguy cơ làm mất đi cơ hội của những người đủ điều kiện tuyển dụng, mà còn là vi phạm pháp luật. Vì vậy, khi bị mất tiền thông qua các đối tượng nhận “chạy việc” thì người bị lừa sẽ phải chịu rủi ro về pháp lý và khó đòi lại được tiền. Để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức “chạy việc”, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm để cảnh báo đến người dân; truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các đối tượng, không để bỏ lọt tội phạm… Đối với người dân, khi có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị. Người dân cũng có thể đến tận nơi có nhu cầu tuyển dụng để tìm hiểu, không nên đặt niềm tin, giao tài sản cho các đối tượng để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo.

Qua các vụ việc trên cũng là lời cảnh tỉnh đối với những người nhẹ dạ, cả tin, vì muốn có công việc nhanh chóng mà không qua thi tuyển, qua sự phấn đấu và từ chính năng lực của mình, tạo điều kiện cho loại tội phạm này có cơ hội hoạt động.

Văn Lai

 

Post Comment